Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, khu vực chế biến khô (khoảng 30 cơ sở) ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang rộ lên việc bán vảy cá lóc, cá sặc cho thương lái.
|
Số vảy cá được cho vào từng túi nylon. |
Anh Nguyễn Thành Thức (28 tuổi) - một trong những chủ cơ sở ở xã Phú Thọ cho biết, trước đây, vảy cá này được người dân bỏ đi, ảnh hưởng đến môi trường. Từ đầu năm 2019, bỗng nhiên có người đến đặt vấn đề hỏi mua.
“Vảy cá lóc, cá sặc này trước đây là phế phẩm bỏ đi, nay tự nhiên có người mua nên tôi bán với giá 4.000 đồng/kg, mỗi ngày thu tiền vảy cá cũng có khoảng vài trăm ngàn đồng” - anh Thức nói.
Anh Thức nói thêm: "Tôi từng hỏi mua vảy cá để làm gì nhưng họ chỉ nói mua về cất trong kho. Sau đó, sẽ có người từ TP.HCM xuống thu mua. Việc thu mua này qua rất nhiều trung gian và cũng không biết rõ ai là người mua cuối cùng".
|
Nhân công tách vảy cá cho các chủ cơ sở chế biến khô. |
Một người phụ nữ chuyên đi thu gom vảy cá nơi đây tiết lộ: “Tôi ở địa phương này, trước đây, có người đến gặp và đặt mua vảy cá nên tôi quyết định đi mua đem về kho bảo quản, cứ 1 - 2 ngày là có xe tải đến lấy hàng. Tôi cũng không rõ họ mua để vận chuyển đi đâu”.
Nhiều chủ cơ sở chế biến khô nơi đây cho biết, ngoài vảy cá lóc, cá sặc, các loại vảy cá khác đều được thương lái thu mua hết với số lượng không hạn chế. Trung bình 1 tấn cá nguyên liệu sẽ cho ra trên 100kg vảy cá. Nhiều cơ sở dùng số tiền bán vảy cá để trả lương cho nhân công làm khô.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Hồng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Nông cho biết, mặc dù đã đi tìm hiểu nhưng địa phương vẫn không biết thương lái thu mua vảy cá để làm gì.
“Đa số người đi thu mua vảy cá là dân địa phương còn thương lái đến mua gom thì không rõ từ nơi nào. Việc mua bán này cũng đã diễn ra khá lâu. Vảy cá được mua với nhiều mức giá khác nhau tuỳ vào từng thời điểm” - ông Hồng nói.
Theo Huỳnh Xây/Dân Việt