Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử nhờ bạn: Soi lại tình bạn Bầu Kiên - Chủ tịch Hòa Phát

Google News

Chưa biết tình bạn của ông Nguyễn Trung Hà và Nguyễn Xuân Sơn bao nhiêu năm, có vuông tròn hơn 10 năm như bầu Kiên và bầu Long hay không nhưng cách hành xử khiến dư luận bất ngờ.

 Tình bạn giữa 2 cặp đại gia đang được dư luận đem ra so sánh sau sự việc ông Nguyễn Trung Hà bỏ ra 32 tỷ giúp ông Xuân Sơn thoát án tử. Ảnh: Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Trung Hà, Bầu Long, Bầu Kiên.
Hai ngày trước, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xẻ bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) về các tội Tham ô, Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ.
Những tưởng án tử hình khó thoát với cựu Tổng giám đốc OceanBank thì tại phiên tòa xét xử ngày 2/5 luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn tiết lộ thông tin một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo thoát án tử hình.
Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án Tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Con số này được lượng hóa từ 20% của 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của luật, Nguyễn Xuân Sơn sẽ được giảm án từ Tử hình xuống Chung thân nếu tự nguyện khắc phục tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, tương đương số tối thiểu tiền cần khắc phục là 37 tỷ đồng.
 Cựu TGĐ OceanBank - Nguyễn Xuân Sơn có thể thoát án tử hình nhờ số tiền 32 tỷ đồng được ông Nguyễn Trung Hà bỏ ra.
Được biết, gia đình Nguyễn Xuân Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn của Nguyễn Xuân Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng, vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, nhằm cứu Nguyễn Xuân Sơn khỏi mức án tử hình.
Vị doanh nhân tốt bụng này chính là ông Nguyễn Trung Hà, thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, là bạn thân của Nguyễn Xuân Sơn.
Với giới doanh nhân, ông Nguyễn Trung Hà không phải người xa lạ, cũng không phải “đại gia” mới nổi. Nhưng điều dư luận quan tâm chính là tình bạn giữa ông Nguyễn Trung Hà và ông Nguyễn Xuân Sơn khăng khít đến mức nào? Tình bạn đó được bao nhiêu năm để ông Hà sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng cứu bạn?
 Dư luận đặt câu hỏi về tình bạn giữa doanh nhân Nguyễn Trung Hà và cựu TGĐ OceanBank.
Trước hết phải khẳng định ông Nguyễn Trung Hà là doanh nhân thành đạt trong lĩnh tài chính và hiện đang giữ chức vụ chủ tịch Chứng khoán Thiên Việt. Bên cạnh lĩnh vực tài chính, vị doanh nhân sinh năm 1962 này còn được biết đến với rất nhiều lĩnh vực khác như tài chính, công nghệ - truyền thông, bất động sản…
Ông Hà là một trong những nhân vật quan trọng của FPT khi doanh nghiệp này mới thành lập, giữ vị trí Giám đốc tài chính trong giai đoạn từ 1988 đến 1993. Sau đó là Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng ACB từ 1994 đến 1997.
Năm 1998, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng khi thành lập Công ty Bất động sản Tôgi. Hiện nay ông Hà vẫn là Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Đến năm 2007, ông Hà tham gia thành lập và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Thiên Việt (TVS). TVS tập trung vào lĩnh vực tư vấn M&A, tư vấn huy động vốn. Cổ phiếu TVS sẽ có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HoSE vào ngày 15/1/2015 với giá tham chiếu 16.500 đồng.
Ông Hà hiện sở hữu 9,6 triệu cổ phiếu, tương đương 22,25% cổ phần của Thiên Việt. Với mức giá tham chiếu chào sàn, lượng cổ phiếu TVS ông Hà nắm giữ có trị giá gần 160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó vị doanh nhân sinh năm 1962 này còn góp vốn và tham gia vào Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - truyền thông như CTCP Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy M&E), CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h (chủ quản trang 24h.com.vn), CTCP Tìm Việc Nhanh (Timviecnhanh.com), công ty quảng cáo Goldsun Media, Công ty Công nghệ Tinh Vân…
Lược qua lý lịch của ông Nguyễn Trung Hà để thấy số tiền 32 tỷ đồng (khoảng 1,4 triệu USD) không phải lớn với vị doanh nhân này. Tuy nhiên giữa gièm pha dư luận ông Hà quyết định bỏ ra số tiền này cứu ông Sơn khiến nhiều người cảm phục.
Có câu nói rằng: “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai!”, càng ngẫm càng thấm thía. Bởi chỉ khi gặp khó khăn, bế tắc, bạn mới nhận ra ai tốt với bạn, ai yêu bạn thực sự, mới hiểu được cuộc sống này đôi khi còn nhiều điều ngang trái.
Nhớ cách đây gần 4 năm, giới doanh nhân cũng chứng kiến 1 phiên tòa, chứng kiến 1 tình bạn mà như người trong cuộc nói là hơn 10 năm. Thế nhưng phiên tòa ấy, tình bạn ấy rẽ theo hướng khác, một đoạn kết buồn.
Tình 10 năm giữa bầu Kiên và bầu Long được trả lời sau phiên tòa xét xử bầu Kiên. 
Phiên tòa người viết nhắc đến chính là phiên xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - nguyên phó chủ tịch Tập đoàn ACB). Chính xác là ngày 21/5/2014, một trong những trọng điểm được hội đồng xét xử làm rõ là về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó bị can là bầu Kiên và 2 nhân vật cấp dưới và bên bị hại là Tập đoàn Hòa Phát mà đại diện là chủ tịch Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu: HPG) và là người bạn thân thiết của bầu Kiên hơn 10 năm qua.
Khi đó tại phiên tòa cả ông Long và ông Kiên đều khẳng định đã quen biết nhau từ đầu những năm 2000 do cùng đam mê bóng đá và ăn cơm với nhau hàng ngày. Quan hệ rất thân thiết và do vậy, theo ông Kiên, là không thể lừa nhau, không thể không nói chuyện về số cổ phiếu mà công ty của ông định bán cho Hòa Phát là vẫn đang trong tình trạng thế chấp (tại Ngân hàng ACB).
Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi mà chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhiều lần được hỏi cho rằng, ông không biết về tình trạng bị thế chấp của 20 triệu cổ phiếu, tương đương 10% cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát (một công ty con của HPG) mà HPG chi 264 tỷ đồng để mua lại từ CTCP Đầu tư Hà Nội ACB (ACBI) của bầu Kiên.
“Nếu biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp thì tôi đã không mua” - ông Long khẳng định.
Ở chiều ngược lại, bầu Kiên phản bác cho rằng, cấp dưới của ông đã thông báo điều này và tiếp tục khẳng định, ông Long và ông Dương (TGĐ Hòa Phát) là bạn bè thân thiết lâu năm, đã hợp tác với nhau nhiều dự án. Và cũng vì là chỗ bạn bè nên mới đồng ý bán lại số cổ phần nói trên.
Chuyện đúng sai, thực hư ra sao có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết, tuy nhiên trong tổng hình phạt 30 năm tù cho các tội danh: cố ý làm trái, kinh doanh trái phép, chiếm đoạt tài sản. Thì tội danh nặng nhất, chiếm đoạt tài sản với mức án 20 năm tù liên quan đến một khoản đầu tư chung của ông Kiên với tập đoàn Hòa Phát.
Theo Hoàng Lâm/Tạp chí SHTT