Trong báo cáo tình hình kinh doanh quý I của tôn Hoa Sen, mức tăng trưởng doanh thu dù lên đến 23% so với năm trước song lợi nhuận chỉ đạt 87 tỷ đồng (bằng 1/5 cùng kỳ). Dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận được nhiều chuyên gia đánh giá là vì gia tăng nợ vay để củng cố thị phần, khiến cho tỷ suất của Tập đoàn Hoa Sen không thể duy trì như trước. Cùng với đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng ngày một sụt giảm, nhà đầu tư liên tiếp thoái vốn.
Vay nợ để củng cố thị phần
Nguyên nhân khiến lợi nhuận trong năm nay giảm sâu so với mọi năm được Hoa Sen lý giải là chi phí hoạt động đồng loạt tăng cao. Trong khi đó, thị phần một số sản phẩm chính của doanh nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các đối thủ khác, khiến Hoa Sen phải vay thêm nợ để củng cố thị phần.
Cụ thể, chi phí lãi vay tăng tới 70%, khi Hoa Sen đang nợ ngắn hạn 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu kỳ. Bên cạnh chi phí lãi vay, chi phí bán hàng của cũng tăng 35%, chi phí quản lý tăng gần 90% so với cùng kỳ.
Với sản phẩm chủ lực là tôn mạ, thị phần của doanh nghiệp từ mức 40,9% năm 2012 đã xuống 33,1% năm 2016. Xu hướng giảm thị phần là đáng báo động, và một nguyên nhân quan trọng nữa là tốc độ tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư của toàn ngành.
Nợ phải trả đã tăng vọt từ mức 8.180 tỷ đồng cuối năm tài chính 2016 lên mức 16.268 tỷ đồng cuối năm 2017, với tỷ lệ tăng 99%, rất cao so với mức độ tăng nợ phải trả là 25% của năm 2016.
Chiến lược vay nợ để dành lại thị phần đã mất của Hoa Sen được bù đắp phần nào khi bước sang năm 2017, điểm thị phần nhích lên 34,3%. Tuy nhiên, cái giá cho tỷ lệ thị phần ít ỏi đó là lợi nhuận sau thuế giảm 11,5%, từ mức 1.504 tỷ đồng năm 2016 xuống 1.331 tỷ đồng năm 2017. Chỉ số tiêu cực này còn kéo dài sang đến đầu năm nay, với báo cáo quý I chỉ có 87 tỷ đồng lợi nhuận (thấp nhất trong 4 năm qua).
Nhiều chuyên gia nhận định, Hoa Sen đã phải dốc toàn lực để bảo vệ thị phần trong ngành tôn mạ, thông qua việc tận dụng hết công suất vay nợ để đầu tư, đã đẩy hệ số nợ lên cao. Bên cạnh đó, việc hạ giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng để giành thị phần cũng khiến việc tích lũy vốn thông qua lợi nhuận giảm xuống.
Giá cổ phiếu rơi tự do, cổ đông tháo chạy và hoài nghi
Các chỉ số tài chính ngày một xấu đi đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu. Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ giảm mạnh trong năm 2017, và càng tệ hại hơn từ đầu năm 2018. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, HSG dừng ở mức 23.970 đồng/cổ phiếu, giảm 3.890 đồng/cổ phiếu, tương đương 14% so với cuối năm 2016.
|
Nhà đầu tư hoài nghi về khả năng tăng trưởng của tập đoàn Hoa Sen trong tương lai.
|
Qua 5 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu HSG giảm 12.420 đồng/cổ phiếu, tương đương 51,8%, chỉ còn 11.550 đồng/cổ phiếu, gây áp lực rất lớn cho cổ đông.
Cũng trong 5 tháng này, vốn hóa thị trường Hoa Sen đã bốc hơi 4.347 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu lao dốc với biên độ rộng trong một thời gian ngắn khiến niềm tin cổ đông cũng dường như lung lay, và không ít trong số đó đang lên kế hoạch tháo chạy.
Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm, nơi bà Hoàng Thị Hương Xuân (vợ ông Lê Phước Vũ) làm Chủ tịch, đã đăng ký bán toàn bộ 5,49% vốn sở hữu ở Hoa Sen vào lúc giá cổ phiếu HSG đang ở mức thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Bất ngờ hơn là chỉ thời gian ngắn, Công ty Tâm Thiện Tâm đã hoàn tất bán 5 triệu cổ phiếu HSG trước đó, giảm lượng sở hữu sau giao dịch tại doanh nghiệp này xuống còn hơn 19,21 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 5,49%. Tiếp đó, công ty này tiếp tục đăng ký bán hơn 19,21 triệu cổ phiếu HSG còn lại theo phương thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/5 đến 21/6.
Không chỉ công ty “người nhà” thoái vốn mà những kế hoạch rút khỏi Hoa Sen cũng đã diễn ra.
Cụ thể, từ 2014, Vietnam Enterprise Investments Limited, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hoa Sen, đã bán 300.000 cổ phiếu HSG. Sau giao dịch, với việc chỉ còn nắm giữ gần 7,9 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 2,25% vốn công ty, quỹ này không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen.
Công ty của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã đăng ký bán hết với nắm giữ tại Tập đoàn Hoa Sen ngay thời điểm cổ phiếu HSG lao dốc mạnh. Ảnh: HSG.
Tháng 2 năm nay, Amersham Industries Limited đã bán 600.000 cổ phiếu HSG. Amersham Industries Limited được cho là khá may mắn khi nhanh tay thoái vốn và thu về khoảng 14 tỷ đồng.
Cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen cũng hoài nghi về hoạt động giao dịch cổ phiếu HSG của vợ chồng ông Lê Phước Vũ. Theo thống kê, HSG có cơ cấu cổ đông tập trung cao, trong đó ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, và các bên liên quan đang nắm giữ gần 43% lượng cỏ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực trong tay những lãnh đạo chủ chốt sẽ khiến cổ đông nhỏ lẻ chịu nhiều rủi ro, do không có tiếng nói trong các quyết định quan trọng.
Rủi ro dễ nhận thấy nhất với cổ đông đang nắm giữ HSG là giá cổ phiếu gần như không tăng trưởng trong năm 2017, thậm chí sụt giảm 20% kể từ đầu năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, trái với nỗi lo do thua lỗ của nhà đầu tư, tài khoản của ông Vũ lại tăng mạnh nhờ những đợt lướt sóng cổ phiếu HSG.
Đơn cử, tháng 6/2017, khi giá HSG dần hồi phục sau đợt rơi mạnh từ vùng 50.000 đồng/cổ phiếu, ông Vũ đặt lệnh bán ra gần 9,6 triệu cổ phiếu và thu về gần 310 tỷ đồng. 4 tháng sau, ông lại mua vào 1 triệu cổ phiếu khi HSG có chuỗi giảm giá cực mạnh.
Ngay cả những doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Vũ cũng lãi lớn nhờ lướt sóng HSG.
Điển hình, Công ty Tam Hỷ bán 10 triệu cổ phiếu trong đợt tăng giá của HSG, trong khi Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen mua bắt đáy thành công trong những đợt giá cổ phiếu xuống thấp.
Theo ông Vũ, ông mua vào cổ phiếu HSG chỉ để đầu tư, không vì mục đích khác. Thế nhưng, với nhiều lần may mắn nhờ “mua thấp, bán cao” như vậy, cổ đông có quyền nghi ngờ về mục đích đầu tư của ông Vũ.
Theo Bình Nguyên/Zing