Nhà hàng Việt cực độc chính trị gia Úc cũng trầm trồ

Google News

Tờ Thời báo Canberra từng liệt kê nhà hàng Việt này là một trong 5 địa điểm mà ở đó có “các bức tường biết nói".

Năm 2008, phát biểu trước hàng trăm doanh nhân Việt - Úc tại Hà Nội, Ngoại trưởng Úc lúc đó, Stephen Smith, đã kể câu chuyện về một nhà hàng Việt Nam, chỉ cách tòa nhà Quốc hội 5 phút đi xe, không trang trí hào nhoáng nhưng đồ ăn vừa ngon lại vừa rẻ, là nơi lui tới thường xuyên của các chính trị gia Úc.
Ông khẳng định, hai nước có nhiều mối liên hệ không những trong quá khứ mà cả hiện tại và tương lai, đồng thời đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Úc, những người đang góp phần làm đa dạng thêm văn hóa, ẩm thực của xứ sở chuột túi và là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc.
Nha hang Viet cuc doc chinh tri gia Uc cung tram tro
 Anh Tân, chủ nhà hàng Việt Nam Griffith.
Thật tình cờ, 6 năm sau đó, tức đầu năm 2014, chỉ vài ngày sau khi đến Canberra nhận nhiệm vụ, tôi đi cùng một đoàn khách Việt Nam tới ăn trưa tại đúng nhà hàng mà Ngoại trưởng Úc đã nhắc tới.
Đó là một nhà hàng nhỏ, nằm trên phố Griffith ít người qua lại ở thủ đô Canberra. Bên trong được trang trí sơ sài, không có tranh ảnh về Việt Nam, hay nón lá treo trên tường như nhiều nhà hàng khác của người Việt ở nước ngoài.
Thay vào đó, trên hai bức tường gần cửa ra vào dán đầy các tờ giấy cỡ A4 ghi lời cám ơn đầu bếp, nhận xét về nhà hàng, thái độ phục vụ cũng như chất lượng các món ăn.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy tên và các chữ ký bên dưới những dòng cảm tưởng đó chủ yếu là của các chính khách Úc, từ các nghị sĩ quốc hội đến những nhân vật nổi tiếng như Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng chưởng lý của chính quyền Úc qua các thời kỳ.
Tò mò, tôi hỏi anh Tân, chủ nhà hàng và cũng là đầu bếp chính, tại sao lại có những tờ giấy dán trên tường như vậy. Anh Tân cho biết, hàng ngày, nhất là trong các kỳ họp Quốc hội Úc, các nghị sĩ thường lui tới đây ăn trưa hoặc ăn tối và đôi khi cũng có những tranh cãi kịch liệt ngay bên bàn ăn.
Để không khí đỡ căng thẳng, anh thường ra hỏi thăm, tiếp chuyện và đề nghị họ cho biết cảm tưởng về chất lượng phục vụ cũng như các món ăn của nhà hàng.
Việc này được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2002 khi 2 nghị sĩ đảng Tự do đến ăn và đã đùa vui bằng cách viết lời cám ơn nhà hàng rồi dán lên tường nhằm đánh dấu, phân chia “lãnh thổ”.
Sau đó, anh Tân cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của các chính trị gia khác, những người nổi tiếng, người dân địa phương và anh đã sắp xếp, phân chia thành các nhóm. Các hạ nghị sĩ được phân thành nhóm của đảng Tự do và của Công đảng; nhóm các thượng nghị sĩ, nhóm các nhân sĩ, người nổi tiếng…
Giờ đây, nhà hàng của anh Tân đã trở thành địa điểm quen thuộc của các chính trị gia Úc, gồm cả cựu Thủ tướng Tony Abbott, Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull, Ngoại trưởng Julie Bishop, nguyên Chủ tịch Hạ viện Browyn Bishop…
“Nhà hàng Việt Nam Griffith”, tên chính thức của nhà hàng, ngày càng nổi tiếng.
Thực khách đến đây không những được thưởng thức những món ăn “ngon, bổ, rẻ” mà còn được đón tiếp thân tình, được phục vụ chu đáo. Anh Tân luôn xuất hiện với nụ cười trên môi, nhiệt tình tư vấn cho khách nên ăn món gì, cách chế biến ra sao…
Tờ Thời báo Canberra đã từng liệt kê nhà hàng Việt Nam này là một trong 5 địa điểm mà ở đó có “các bức tường biết nói".
Năm 2011, trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Úc, nhà hàng Việt Nam của anh Tân là một trong những địa điểm được gợi ý để Tổng thống Hoa Kỳ ghé thăm.
Có lẽ đó cũng là những lý do mà nhà hàng được đưa vào danh sách các địa điểm ăn uống ưa thích dành cho du khách trong các trang giới thiệu du lịch của thế giới và Australia, cũng như trong các tờ rơi quảng cáo của nhiều hãng hàng không lớn có đường bay tới Úc.
Điều thú vị là nhà hàng luôn luôn trong “tầm ngắm” và các đánh giá của thực khách dán trên tường được báo chí Úc “soi” rất kỹ.
Tháng 8 vừa qua, thượng nghị sĩ của đảng Một Dân tộc (One Nation), bà Pauline Hanson, người từng nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư của dân châu Á và Hồi giáo, đã đến ăn tại đây và rất thân mật chụp ảnh cùng chủ nhà hàng. Báo chí Úc bình luận có thể đây là một cử chỉ thể hiện sự thay đổi quan điểm của nghị sĩ này đối với dân nhập cư châu Á.
Cuối tháng 9/2016, trang fanpage của đài truyền hình quốc gia Úc ABC đã đăng tải một video clip với những bình luận rất hóm hỉnh, như cho rằng món đặc sản của nhà hàng là món “political stir-fry” (tạm dịch là tranh cãi chính trị) khi anh Tân đề cập đến tranh luận gần đây giữa Mark Dreyfus, nghị sĩ của Công đảng, với George Brandis, nghị sĩ của Liên đảng cầm quyền.
Với bản thân tôi, gần 3 năm công tác tại Úc, dù đi bất cứ đâu, tiếp xúc với mọi giới, câu chuyện về ẩm thực Việt, trong đó có nhà hàng của anh Tân, luôn được đề cập. Tôi tự hào mỗi khi giới thiệu cho các đồng nghiệp trong Ngoại giao đoàn hay bạn bè Úc những nhà hàng Việt Nam tại Sydney, Melbourne, Canberra hay các thành phố khác.
Đi bất cứ đâu, kể cả ở những nơi rất xa xôi hẻo lánh ở Úc, bạn cũng sẽ thấy những cái tên nhà hàng rất đỗi quen thuộc như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sông Hương, Phú Quốc, hay Sa Pa, Mê kông…
Ẩm thực Việt đang ngày càng ăn sâu bén rễ trong cộng đồng các dân cư Úc không chỉ “hữu xạ tự nhiên hương” do sự độc đáo và đa dạng mà còn là sự chân thành, thân thiện của những người con đất Việt như anh Tân, những người đang âm thầm gìn giữ và quảng bá tinh hoa của ẩm thực nước nhà đến với thế giới. Họ chính là những “đại sứ ẩm thực” của hai dân tộc Việt - Úc.
Theo Quang Lương/VietnamNet