Nhà Lớn Long Sơn có gì khiến vạn người mê?

Google News

Là khu di tích với lối kiến trúc độc đáo, mỗi năm Nhà lớn Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại thu hút hàng vạn du khách khắp nơi về tham quan, tìm hiểu.

Nhà lớn Long Sơn còn có tên gọi khác là đền Ông Trần, do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856, người Hà Tiên) xây dựng từ năm 1910 đến 1929. Tất cả tiền bạc, tài nguyên cần thiết để xây dựng nên ngôi nhà đều là của ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp.
Nha Lon Long Son co gi khien van nguoi me?
Nhà lớn Long Sơn thuộc xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 
Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam nhưng không theo một quy hoạch tổng thể nào. Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời.
Được biết toàn bộ khu Nhà lớn mà chúng ta được tham quan ngày nay, không phải được xây dựng cùng một thời điểm, mà được bổ sung, hoàn thiện sau một thời gian dài.
Nhà lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Sau khi được sự cho phép của chính quyền, ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn.
Nha Lon Long Son co gi khien van nguoi me?-Hinh-2
Trong quần thể di tích này có nhiều ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc của đình làng Việt Nam 
Năm 1927, ông Trần cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), hai ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng. Tiếp đến, năm 1928, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ.
Những năm tiếp theo, ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp), nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt,...
Nha Lon Long Son co gi khien van nguoi me?-Hinh-3
Ở giữa có một khoảng sân lớn 
Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền Ông Trần.
Cho đến nay, khu di tích Nhà lớn Long Sơn vẫn được thế hệ con cháu của ông Trần gìn giữ và bảo vệ nguyên vẹn. Nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thích hợp cho những ai mong muốn tìm kiếm sự hoài cổ và những trải nghiệm mới lạ khi đến thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu.
Ngay khi đặt chân vào đây, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt và âm hưởng của văn hóa dân gian. Trong quần thể di tích này có nhiều ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc của đình làng Việt Nam, những ngôi nhà được xây dựng với các tông màu hiếm thấy như xanh nhạt, vàng, đỏ tươi….
Nha Lon Long Son co gi khien van nguoi me?-Hinh-4
Nhà Lớn có rất nhiều khu riêng biệt, được xây dựng trong nhiều năm khác nhau
Nha Lon Long Son co gi khien van nguoi me?-Hinh-5
Hàng năm, Nhà Lớn Long Sơn thu hút lượng khách đông về tham quan, đặc biệt vào ngày giỗ ông Trần 
Nhận thấy đây là kiến trúc nhà cổ độc đáo cần phải bảo tồn và đưa vào khai thác phát triển du lịch, năm 1991, quần thể Nhà lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Nhà lớn Long Sơn thu hút đông du khách thập phương. Hàng năm, vào ngày giỗ ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất trang trọng và náo nhiệt, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự để được trải nghiệm và chứng kiến nhiều nét văn hóa đặc sắc tại đây.
Theo Ngọc Giang/Người Lao Động