UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ (nhà đầu tư) đề xuất đầu tư xây dựng dự án cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là 496,9ha (trong đó 473,9ha hiện trạng là đất mặt nước).
Dự án có quy mô đầu tư 10 cầu cảng (2.525m), tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT; khối lượng bóc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm. Dự án cảng hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bình Định ước tính sơ bộ, dự án cảng chuyên dùng được xây dựng và đi vào hoạt động tích hợp sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 1 là 3.000 người); ước tính nộp ngân sách ở giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng khi dự án đi vào hoạt động.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
|
Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thị xã Hoài Nhơn. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định (IPC Bình Định).
|
Ở diễn biến liên quan, trước đó, năm 2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư Khu liên hợp gang thép tại hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An (huyện Phù Mỹ), với tổng vốn đầu tư khoảng 62.470 tỷ đồng. Tuy nhiên vào tháng 7 và tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định có các quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nêu trên, đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) và điều chỉnh một số nội dung của dự án.
Theo đó, Khu liên hợp gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.
Tại tỉnh Bình Định, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ còn nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn có quy mô khoảng 496,9ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, với quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Long Sơn.
Về nhà đầu tư, theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ là công ty con của Công ty TNHH Long Sơn được thành lập ngày 5/7/2021, có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sắt, thép, gang. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty là ông Trịnh Quang Hải.
Ngoài ra, ông Trịnh Quang Hải còn là pháp nhân đại diện cho các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Long Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn.
Ra đời vào tháng 9/2001, Công ty TNHH Long Sơn có địa chỉ trụ sở chính tại số 6, đường Voi Phục, phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan, gồm: Mua bán than đá và nhiên liệu rắn khác.
Công ty TNHH Long Sơn được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với 4 dây chuyền sản xuất có tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm. Theo giới thiệu trên website doanh nghiệp, Công ty TNHH Long Sơn còn sở hữu một số dự án khai thác mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất và 3 nhà máy đóng bao xi măng tại Khu công nghiệp Ninh Thủy (Khánh Hòa), Khu công nghiệp Nhựt Chánh (Long An) và Cảng Hào Hưng (Quảng Ngãi).
Ngoài sản xuất xi măng, Công ty TNHH Long Sơn còn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và vận tải biển. Công ty này cho biết đang xuất nhập khẩu hàng hóa tới nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Australia, Bangladesh và Châu Phi.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH Long Sơn cũng là chủ đầu tư dự án Cảng container Long Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 7/2016 với công suất thiết kế khoảng 1 - 2 triệu Teu/năm, tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng; dự kiến được thực hiện từ năm 2016 - 2025, đầu tư khu bến cảng container số 1, bao gồm 6 bến với diện tích khoảng 109,7ha và khu phát triển logistic (lô K9A) với diện tích khoảng 33,3ha.
Ngoài ra, Công ty TNHH Long Sơn còn là chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Long Sơn tại Khu bến cảng tổng hợp Nam Nghi Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, diện tích 28ha, bao gồm 4 bến cảng với tổng chiều dài 1.000m.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, doanh thu của Công ty TNHH Long Sơn ghi nhận mức tăng trưởng liên tục giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2019, Long Sơn ghi nhận 12.600 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 4 lần so với năm 2016. Biên lãi gộp dao động 8% - 9% trong cùng giai đoạn. Mức lãi sau thuế hàng năm của Long Sơn ghi nhận chưa tới 2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của Công ty Long Sơn đạt hơn 9.300 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong đó nợ phải trả chiếm đến 85%, hơn 7.928 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ vay dài hạn.
Tính đến tháng 12/2022, Công ty TNHH Long Sơn có quy mô vốn điều lệ 2.213,1 tỷ đồng, trong đó vợ chồng ông Trịnh Quang Hải – bà Đỗ Thị Lan góp tới 2.103,1 tỷ đồng, chiếm 95% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được đứng tên bởi ông Bùi Duy Ngọc…
Liên Hà Thái (tổng hợp)