|
Xe Thành Bưởi BKS 51B-207.48 do tài xế Nguyễn Long Hưng điều khiển đâm vào trụ điện tại xã Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai ngày 31/7/2016 (Anh Nguyễn Thế Vượng, nhân viên Công ty Thành Bưởi phục vụ trên chuyến xe chui qua kính trước đã bị vỡ, tìm cách khắc phục hậu quả vụ tai nạn) |
Nhân viên bị trừ tiền oan
Sáng 5/7, anh Nguyễn Thế Vượng một nhân viên vừa xin nghỉ việc tại Công ty TNHH Thành Bưởi trực tiếp đến văn phòng Báo Giao thông tại TP.HCM phản ánh việc Công ty Thành Bưởi căn cứ sai nội quy, quy định để chiếm đoạt tài sản của người lao động. Theo anh Vượng, trong Công ty Thành Bưởi, nhân viên chỉ biết làm công ăn lương, không hiểu nhiều về luật nên nhiều người đã bị trừ tiền vô lý nhưng không biết.
Theo anh Vượng, ngày 11/4/2017 trên chuyến xe khách từ Đà Lạt về TP.HCM có một hành khách xuống ở ngã ba Dầu Giây. Đường xa, đêm khuya khoảng 3h sáng nên anh tranh thủ chợp mắt. Trước khi ngủ, anh Vượng dặn bác tài đến đoạn Dầu Giây gọi anh dậy lấy đồ cho hành khách xuống. Tuy nhiên, do quá mệt anh ngủ thiếp đi, bác tài quên và hành khách cũng quên không xuống… nên phải về tận bến ở số 1 Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM.
“Vì trả khách không đúng yêu cầu nên tôi đã bị trừ vào tiền lương 1.060.000 đồng. Theo Luật Lao động, không được phép trừ vào tiền lương, vậy tại sao Công ty Thành Bưởi lại trừ tiền lương của tôi”, anh Vượng bức xúc nói.
Anh Vượng hiện đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM. Tuy nhiên, theo luật, người lao động phải gửi đơn lên công ty nơi mình làm việc trước, sau 30 ngày công ty không giải quyết mới gửi lên Sở. Được Sở Lao động, Thương binh & Xã hội hướng dẫn, anh Vượng đã làm đơn khiếu nại gửi Công ty Thành Bưởi ngày 12/6/2017 và đơn nhận vào 14/6/2017. Như vậy, đến ngày 14/7 nếu Công ty Thành Bưởi không giải quyết, anh Vượng sẽ gửi đơn lên Thanh tra Sở Lao động, Thương binh & Xã hội.
Trước đó, vào tháng 9/2016, anh Vượng cũng bị Công ty Thành Bưởi cho nghỉ việc vô lý. Anh Vượng đã phải gõ cửa Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội quận 5 nơi Công ty Thành Bưởi đóng trụ sở. Phía Phòng Lao động Thương binh & Xã hội quận 5 cũng khẳng định, việc cho anh Vượng nghỉ việc Công ty Thành Bưởi là không đúng pháp luật nên buộc công ty này phải nhận lại anh Vượng vào làm việc.
Ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM:
Nhân viên ký hợp đồng đại diện hành khách là sai
Chiều 11/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM khẳng định việc Công ty TNHH Thành Bưởi giao nhân viên của mình ký vào bản hợp đồng làm đại diện cho hành khách trên xe là sai. Theo quy định, đại diện hành khách thuê xe hợp đồng có thể là cá nhân hoặc tổ chức ký kết với chủ phương tiện để thuê xe. Nhưng ở đây nhân viên của Công ty Thành Bưởi ký với chủ phương tiện là ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi chẳng khác nào “tay trái ký với tay phải” là không đúng quy định.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, việc xử lý của lực lượng chức năng là rất khó, vì khi kiểm tra hợp đồng có đầy đủ chữ ký của bên chủ phương tiện và người đại diện hành khách. Lực lượng chức năng không xác định người đại diện đó là nhân viên của nhà xe. Trước thông tin về việc nhân viên của Công ty Thành Bưởi phản ánh họ chính là người ký vào bản hợp đồng đại diện cho hành khách, ông Việt cho biết, sẽ kiểm tra và yêu cầu thực hiện đúng quy định.PV
Nghỉ việc không được trả sổ bảo hiểm
Dù đã cật lực làm việc cho công ty nhưng nhiều nhân viên của Thành Bưởi cho biết, sau khi nghỉ việc, họ phải rất vất vả đi đòi sổ bảo hiểm của mình. Theo anh N.V.V, một nhân viên của nhà xe Thành Bưởi, chính thức nghỉ việc vào cuối 4/2017. Theo luật, sau 30 ngày anh N.V.V. sẽ được nhận sổ bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 tháng Công ty Thành Bưởi vẫn chỉ hứa hẹn. “Tôi đã lên công ty nhiều lần, nhưng đều được trả lời do đóng bảo hiểm xã hội ở chi nhánh trên Đà Lạt nên chưa có sổ. Tại sao lại như vậy, đó là quyền lợi của người lao động kia mà”, anh N.V.V than.
|
Nhân viên đã khiếu nại lên Bảo hiểm xã hội Q.5 yêu cầu Công ty Thành Bưởi phải trả lại sổ bảo hiểm. |
Quá bức xúc, anh N.V.V đã khiếu nại lên Bảo hiểm xã hội Q.5 yêu cầu Công ty Thành Bưởi phải trả lại sổ bảo hiểm. Sau đó, phòng bảo hiểm xã hội Q.5 cũng làm việc với Công ty Thành Bưởi và anh N.V.V để hoà giải. Công ty Thành Bưởi lại hứa đến 1/7 sẽ trả. Tuy nhiên, đến nay đã quá 10 ngày mà không thấy Công ty Thành Bưởi gọi anh lên lấy sổ bảo hiểm. Phía Bảo hiểm xã hội Q.5 cũng không trả lời gì nữa.
“Tôi rất lo lắng vì quy định để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì sau 90 ngày nghỉ việc các thủ tục, giấy tờ phải nộp đầy đủ. Quá thời hạn này người lao động sẽ không thể được hưởng quyền lợi này. Cứ đà này tôi sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp”, anh N.V.V nói.
Trường hợp của anh Nguyễn Đức Thắng còn tệ hơn. Anh Thắng nghỉ làm vào khoảng tháng 3/2017 tuy nhiên đến nay sau gần 5 tháng, Công ty Thành Bưởi vẫn không chịu trả sổ bảo hiểm. “Đã quá thời hạn 3 tháng sau khi nghỉ việc để làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp rồi, tôi đã mất quyền lợi đó mà lỗi do Công ty Thành Bưởi chứ không phải do mình. Tôi vẫn phải lấy được sổ bảo hiểm của mình, tại sao công ty không chịu trả”, anh Thắng bức xúc đặt câu hỏi.
Cũng theo anh Thắng, lần gần đây anh có lên Công ty Thành Bưởi tiếp tục hỏi sổ bảo hiểm của mình. Phía Công ty Thành Bưởi cho biết, sổ bảo hiểm của anh đóng trên Đà Lạt nên hẹn một tuần nữa sẽ có. “Trách nhiệm đóng bảo hiểm là của công ty khi sử dụng người lao động. Người lao động nghỉ việc, công ty phải trả lại sổ cho người lao động chứ, tại sao họ mãi không trả cho chúng tôi. Ai là người bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này?”, anh Thắng nói.
Thành Bưởi tìm cách qua mặt cơ quan chức năng
Phản ánh với Báo Giao thông, anh Nguyễn Đức Thắng, nhân viên của nhà xe Thành Bưởi vừa nghỉ việc từ tháng 3/2017 cho biết, nếu không ký vào bản hợp đồng đại diện cho hành khách với Công ty Thành Bưởi nếu có vấn đề gì như khi gặp cơ quan chức năng kiểm tra, nhân viên sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thế nên gần như nhân viên nào cũng phải ký hợp đồng đại diện cho mấy chục hành khách trên xe mà mình không quen biết.Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Công ty Luật Hasslaws), việc Công ty TNHH Thành Bưởi bắt nhân viên ký vào bản hợp đồng để đại diện cho toàn bộ hành khách trên xe là sai quy định. Tại Khoản 5, Điều 23, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định. Với quy định này, có thể hiểu Thành Bưởi đã quy hết trách nhiệm cho nhân viên. Vì sợ bị phạt tiền nên nhân viên trên các chuyến xe buộc phải ký hợp đồng đại diện cho hành khách.
Đối với người điều khiển phương tiện, khoản 5, Điều 28, Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải; thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc). Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải từ 1 - 3 tháng.
Về việc yêu cầu nhân viên phải ký vào hợp đồng đại diện cho hành khách, theo luật sư Hiếu rõ ràng trường hợp này Công ty Thành Bưởi đang tìm cách qua mặt cơ quan chức năng thông qua hợp đồng giả tạo. Nhân viên nhà xe không hề quen biết với mấy chục hành khách trên xe thì làm sao đứng ra làm đại diện. Thế nên mặc dù là xe chạy hợp đồng, có hợp đồng nhưng hợp đồng đó không có giá trị vì đó là hợp đồng để đối phó với cơ quan chức năng. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử phạt”, LS Hiếu nói.
Theo Nhóm PV/Báo Giao Thông