Thứ Năm, ngày 17/12/2020 19:05 PM (GMT+7)
Sự kiện:
Kinh tế toàn cảnh
Tiềm năng phát triển nghề nuôi cá tầm của Việt Nam
Trong văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau 15 năm phát triển, nhờ sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sự quan tâm của các địa phương, sự cố gắng của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, bà con nông dân đã đưa nghề nuôi cá tầm phát triển thành một nghề nuôi có giá trị kinh tế.
Thống kê cho thấy, sản lượng cá tầm Việt Nam năm 2020 ước đạt trên 3.000 tấn với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Việc phát triển nuôi cá tầm ở Việt Nam đã tạo được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm khá lên từ nghề này.
Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, cá tầm được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 40 - 45%, nghề nuôi cá tầm đã giúp khai thác được tiềm năng các loại hình mặt nước, đặc biệt là ở vùng núi, nơi mà trước đây không phát triển được, tạo ra được sản phẩm độc đáo, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao cung cấp cho nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu.
Các chuyên gia thủy sản, các nhà quản lý nhận định dư địa phát triển còn nhiều, nhiều thủy vực sông, suối, hồ, ao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn chưa được khai thác sử dụng. Nếu quản lý tốt, chắc chắn trong những năm tới nghề nuôi cá tầm sẽ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm nhập khẩu chính ngạch và cả cá tầm buôn bán qua đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp từ Trung Quốc.
Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Hiện nay cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.
"Lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt Nam và cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm hiện nay", Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nêu rõ.
Trước tình hình trên, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, cụ thể: Đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hóa cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.
Cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc bày bán với giá rẻ tại chợ hải sản phía Nam.
Cơ quan này đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng (Thú y, Hải quan, Quản lý thị trường...) có biện pháp tịch thu và tiêu hủy sản phẩm và có các hình thức xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp nhập lậu theo quy định của pháp luật như: Rút giấy phép kinh doanh và các biện pháp xử phạt khác theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý và thành phần loài cá tầm nhập khẩu để đảm bảo sự canh tranh công bằng sản xuất trong nước với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
Việc phát triển mô hình chăn nuôi cá tầm trong nước đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Phần lớn vùng nuôi nằm ở vùng sâu xa, nơi có nguồn nước chảy sạch lạnh hoặc vùng hồ thuỷ điện núi cao, đời sống bà con khó khăn. Việc mở ngành nuôi cá tầm đã đóng góp nhiều cho việc an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Một xe tải chở hơn 10 tấn cá tầm nhập khẩu Trung Quốc với giá khai báo hải quan là 103.486 đồng/kg chuẩn bị đưa về thị trường nội địa tiêu thụ.
Kể từ năm 2018 đến nay, trước sự đe dọa từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp, hàng loạt doanh nghiệp nuôi cá tầm tại Lâm Đồng, Kon Tum, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái... có nguy cơ phá sản. Nhiều trang trại buộc phải để hoang phế, nước đọng cạn đáy...
Ông Nguyễn Xuân Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Cá tầm Suối Đại Dương cho biết: "Chúng tôi không hiểu sao mấy năm nay cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và giá thành bán ra thị trường rẻ như thế. Trong khi đó, cá tầm Việt Nam đều nuôi tại các thuỷ điện, suối hồ có nguồn nước tự nhiên, thức ăn cao cấp cung cấp với thành phần chủ yếu là bột cá biển. Chính vì thế, giá thành cá tầm nuôi ở Việt Nam tuy cao nhưng lại được đánh giá có mùi vị và chất lượng như cá tầm ngoài tự nhiên.
Nếu như trước đây cá tầm Việt Nam xuất tại trang trại với giá 160.000 đồng/kg thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu luôn bán ở thị trường thấp hơn vài chục nghìn/kg. Khi chúng tôi hạ giá xuống 140.000 đồng/kg để cạnh tranh thì cá tầm Trung Quốc lại hạ tiếp xuống 130.000 đồng rồi 120.000 đồng/kg. Nói chung mình có chấp nhận lỗ, hạ giá xuống để bán thì cũng không thể cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc nuôi công nghiệp, giá thành rẻ như hiện nay".
Ông Điệp cũng bày tỏ sự lo lắng khi gần chục trang trại nuôi cá tầm ở Lâm Đồng và Khánh Hoà của công ty với hàng chục lao động có nguy cơ thất nghiệp hoặc phải chuyển sang mô hình chăn nuôi khác để cầm cự.
Không thể cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc giá rẻ, nhiều hồ nuôi chấp nhận bỏ hoang, dừng kinh doanh.
Ông Hà Trần Quyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam – Bắc Giang cũng chia sẻ, những năm trước, các trang trại cá tầm của công ty đặt tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên hoạt động rất tốt, số lượng lao động địa phương thường xuyên lên đến hàng chục người. Tuy nhiên đến thời điểm này do cá tầm Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn về Việt Nam với giá rẻ, công ty chỉ còn vài người làm việc để cầm chừng. Như trang trại ở Thái Nguyên có 7 bể nuôi nhưng chỉ duy trì được 2 bể, các bể khác phải bỏ trống, cạn nước…
"Cá tầm Trung Quốc họ nuôi công nghiệp theo mô hình khép kín, 12 tháng đã được xuất bán. Trong khi đó cá tầm Việt Nam nuôi dựa theo điều kiện tự nhiên và phải trên 15 tháng mới được thu hoạch thương phẩm. Đây là lý do khiến cá tầm Việt Nam sạch, ngon, giàu chất dinh dưỡng và giá thành luôn cao hơn Trung Quốc. Thế nhưng cũng vì lợi nhuận, nhiều thương lái đã nhập cá tầm Trung Quốc với giá rẻ sau đó gắn mác cá tầm Việt Nam để bán ra thị trường. Điều này gây nguy hại và ảnh hưởng vô cùng lớn đến các doanh nghiệp cá tầm Việt Nam. Một số trang trại đã chấp nhận hạ giá, bán lỗ để cạnh tranh nhằm bảo vệ thương hiệu cá tầm Việt nhưng cũng chỉ được một thời gian. Về lâu dài doanh nghiệp nào không trường vốn thì không thể trụ được, buộc phải phá sản trong ấm ức", ông Quyền ngậm ngùi.
Một số trang trại nuôi cá tầm Việt Nam phải hoạt động cầm chừng.
Tương tự tại Sơn La, nơi có hồ thuỷ điện với dòng nước lạnh phù hợp để nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là gây dựng thương hiệu cá tầm Việt cũng đang rơi vào tình cảnh điêu đứng. Theo ông Dương Văn Biểng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, vài năm trước các hợp tác xã xây dựng mô hình cá tầm trên lòng hồ thuỷ điện rất hiệu quả. Người dân địa phương có thu nhập, kinh tế địa phương cũng dần dà phát triển, an ninh xã hội tốt.
"Thế nhưng, vài năm nay từ khi cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam với giá rẻ, các trang trại nuôi cá tầm ở Sơn la không thể cạnh tranh được dành phải dừng lại. Ở huyện Quỳnh Nhai hàng loạt mô hình nuôi cá tầm bị bỏ hoang, nước đọng cạn đáy vì người nông dân và doanh nghiệp không thể cố gắng thêm nữa. Hiện nay toàn tỉnh chỉ còn duy nhất công ty Cá tầm Việt Nam còn nuôi cá trên vùng lòng hồ sông Đà và duy trì được công việc cho khoảng 20 lao động địa phương", ông Biểng chia sẻ.
Các địa phương nuôi cá tầm trong nước đều "kêu cứu" trước thực trạng cá tầm Trung Quốc giá rẻ ồ ạt đổ bộ.
Tại tỉnh Yên Bái, với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2020 diện tích đưa vào nuôi đạt trên 32.000 m3. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở N&PTNT tỉnh này, do có tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào rất rẻ nên thị trường trong nước không thể cạnh tranh được.
Tương tự là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai... và các địa phương nuôi cá tầm ở khu vực miền núi phía Bắc đều "kêu cứu". Hiệp hội phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt Nam mong muốn minh bạch hoá việc truy xuất nguồn gốc để bảo hộ sản xuất trong nước. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực mới và có tiềm năng kinh tế lớn như nuôi cá tầm.
Quan trọng nhất, từ những câu chuyện thực tế nêu trên, Chính phủ cần xây dựng những đề án chiến lược bảo hộ sản xuất để sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên chính trường quốc tế. Đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng cần có giải pháp quyết liệt...
Theo các chủ trang trại nuôi cá tầm Việt Nam, việc phân biệt cá Trung Quốc và cá trong nước là rất khó bởi giống cá đều được nhập từ Châu Âu về. Chỉ những người làm trong nghề nhiều năm mới có thể phân biệt giữa những loại cá này. Quan sát bằng mắt thường, cá tầm Trung Quốc béo và thân ngắn, màu đen nhám, mũi rất nhọn. Khi quan sát bên ngoài, cá tầm Trung Quốc do quãng thời gian vận chuyển rất dài nên mình cá xây xước nhiều, bụng có những vệt máu đỏ, có những vết lở loét và cá thường nằm im bất động chứ không bơi lội. Còn khi chế biến món ăn, cá tầm Trung Quốc nhiều mỡ, thịt nhão, bở trong khi cá tầm Việt Nam thịt thơm, dai và ngon hơn.
Theo Cao Tuân/Gia đình & Xã hội