Vụ ông P.H.A ở Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm chưa trả, dư nợ hiện tại lên hơn 8.8 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Ông P.H.A cho rằng, mình không tiêu thẻ tín dụng nên đã không thanh toán và sau 11 năm nợ xấu từ 8,5 triệu đồng lên tới hơn 8,8 tỷ đồng.
|
Phiếu nhắc nợ gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. |
Yêu cầu Eximbank báo cáo
Trao đổi với VietNamNet ngày 15/3, ông P.H.A cho biết đã ủy quyền cho luật sư để bảo vệ quyền lợi trong vụ việc này. Một ngày trước (ngày 14/3), đại diện phía Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có liên hệ để mời tới làm việc nhưng ông P.H.A không đồng ý.
Ông P.H.A cho rằng, việc ngân hàng mời tới làm việc phải theo quy trình và văn bản cụ thể. Trong đó, văn bản phải thể hiện làm việc với những đơn vị nào, nội dung gì và phải có luật sư của ông tham gia.
Phía đại diện Eximbank thì cho báo chí biết, đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã có văn bản yêu cầu Eximbank Quảng Ninh báo cáo. Đến nay, dư luận vẫn đang chờ đợi kết quả cuối cùng.
Nhiều người hủy thẻ tín dụng
Trước thông tin sự việc, nhiều người dùng thẻ tín dụng đã lập tức gọi tổng đài, tìm website Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia để kiểm tra nợ xấu.
Anh Quang Anh (TP.HCM) chia sẻ với Báo Dân Trí, bản thân đã sử dụng thẻ tín dụng 2 năm nay. Sau sự việc xảy ra, anh này và nhóm bạn thân nhanh chóng đăng ký và tra cứu thông tin tín dụng của bản thân trên CIC.
CIC được viết tắt của cụm từ Credit Information Center, là website của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. Mọi thông tin về khoản vay, tên người vay, tổ chức vay, quá trình thanh toán tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều có trên CIC.
Nhiều người khác cũng chia sẻ về trải nghiệm không tốt khi sử dụng thẻ tín dụng, như chi tiêu không kiểm soát, phí duy trì và lãi vay cao…
"Tôi nhiều lần nhận được cuộc gọi mời làm thẻ tín dụng từ các ngân hàng. Nghe họ chào mời liên tục với nhiều ưu đãi, tôi thấy cũng hấp dẫn. Bạn bè của tôi cũng dùng 2-3 thẻ tín dụng, từng kể rằng mỗi tháng được hoàn tiền, tích điểm đổi quà… Tuy nhiên, cần lưu ý thẻ tín dụng làm phát sinh khoản nợ tiêu dùng, cần phân tích trước những mặt lợi và hại khi muốn sử dụng", Phương Linh (Hà Nội) nói.
Trong khi đó, anh Ngô Linh (ở Hà Nội) chia sẻ với Báo Tiền Phong, sau khi liên hệ tổng đài ngân hàng, anh tá hoả phát hiện có thẻ tín dụng mở từ năm 2015 nhưng không dùng và đang lo ngại phải đóng phí duy trì thẻ trong gần 10 năm qua. Vì vậy, anh Linh quyết định hôm sau sẽ ra phòng giao dịch để đóng thẻ.
Khánh Hoài (tổng hợp)