UBND Hà Nội vừa cập nhật cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, quận Cầu Giấy trở thành vùng cam (nguy cơ cao) khi có 7/8 phường ở cấp độ 3. Dự kiến, hàng quán ăn, uống tại đây chỉ bán mang về trong thời gian tới.
Khi đón nhận thông tin này, quản lý quán cà phê trên đường Trần Kim Xuyến (phường Yên Hòa) không cảm thấy bất ngờ. Khai trương quán từ tháng 4/2021, anh cho biết việc kinh doanh chưa hề có lãi do dịch bệnh triền miên, phải đóng, mở hàng liên tục.
“Tuy nhiên, đây là khó khăn chung, không thể tránh khỏi vì dịch bệnh. Mỗi cá nhân có mức độ khó khăn khác nhau, bởi vậy, tôi luôn sẵn sàng tuân thủ theo yêu cầu”, anh nói với Zing.
|
Một số hàng ăn ở Cầu Giấy không mở cửa trong sáng 8/1. Quận này vừa nâng cấp độ dịch lên vùng có nguy cơ cao nên hàng quán ăn, uống chỉ được phép bán mang về.
|
Về việc phải dừng phục vụ tại chỗ khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, người quản lý chia sẻ thêm: “Chắc chắn doanh thu không tốt thì Tết không thể đủ đầy. Tôi sẽ đóng cửa quán nghỉ Tết luôn chứ không bán mang về vì không hiệu quả”.
Bám trụ
Lo lắng, mệt mỏi cũng là tâm trạng chung của nhiều chủ và nhân viên hàng ăn, uống ở quận Cầu Giấy khi một lần nữa phải chuyển sang bán mang về. Họ cho biết sẽ cố gắng bám trụ từ nay đến Tết để “được thêm đồng nào hay đồng nấy” vì năm qua đã phải nghỉ quá nhiều.
Đã quá quen với việc phải đóng, mở cửa hàng trong 2 năm dịch bệnh, quản lý quán cà phê trên đường Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân) cho biết từ chủ đến nhân viên luôn trong tâm thế sẵn sàng chuyển sang bán mang về vì tình hình ở Hà Nội ngày càng căng thẳng.
“Mình cũng lo lắng vì doanh thu bán online giảm khoảng 30% so với phục vụ tại chỗ, trong khi tiền thuê mặt bằng, điện, nước, lương nhân viên vẫn phải chi trả. Tuy nhiên, đó là khó khăn chung của ngành dịch vụ thì phải chấp nhận. May mắn là sau 3 năm kinh doanh, quán mình có lượng khách quen nhất định. Mọi người hiểu tình hình chung nên vẫn ủng hộ”, cô gái 21 tuổi nói.
|
Nhân viên quán cà phê ở quận Cầu Giấy lo lắng khi sắp phải ngừng bán tại chỗ.
|
Theo nữ quản lý, khi ngừng phục vụ tại chỗ, mỗi ca giảm xuống chỉ cần một nhân viên đảm nhận. Tuy nhiên, để không ai bị thất nghiệp sát Tết, 10 nhân viên của cơ sở này sẽ luân phiên nhau làm việc.
“Đang đi làm để có thu nhập, đang quen bận rộn mà giờ phải ở nhà nhiều hơn thì ai cũng buồn. Hơn nữa, doanh thu giảm chắc chắn ảnh hưởng tới tiền thưởng Tết. Thời gian tới, mình sẽ xem tình hình dịch bệnh rồi mới quyết định có về quê ăn Tết hay không. Nếu quán thiếu người, mình cũng sẵn sàng ở lại làm xuyên Tết”, cô nói.
|
Chị Hải Trâm (trái) cho biết cả buổi sáng, quán chỉ có hơn 10 vị khách ghé đến ăn trực tiếp hoặc mua mang về.
|
Mở hàng phở trên phố Vũ Phạm Hàm (phường Trung Hòa) gần 8 năm nay, chị Hải Trâm (quê Nam Định) chưa từng gặp nhiều khó khăn như năm vừa rồi.
“Thời gian qua, nhiều văn phòng quanh đây cho nhân viên làm ở nhà, tôi mất đi khá nhiều khách. Vài tuần trước, hàng quán ở Cầu Giấy được mở trong khi nhiều quận phải bán mang về, tôi thấy đông khách được 1-2 ngày rồi lại vắng. Cứ phải đóng, mở hàng liên tục thế này vất vả lắm. Tết đến nơi rồi còn bao nhiêu thứ phải trang trải. Năm nay đúng là chỉ lo giữ gìn sức khỏe chứ không dám mơ đến lãi”, chị nói.
Chị Trâm hiện thuê 5 nhân viên, đều là lao động ngoại tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn. Tình hình kinh doanh thua lỗ nhưng chị không thể cắt giảm ai khi Tết cận kề.
“Nhân viên của tôi chưa ai có nhu cầu về quê. Một năm nay chơi mấy tháng rồi nên các em chỉ mong có việc làm, kiếm chút tiền về cho bố mẹ, gia đình ăn Tết. Dù bán mang về không được là bao, tôi vẫn cố duy trì để gỡ gạc tiền thuê nhà”.
Nghĩ tới tiền thuê mặt bằng, điện, nước và lương nhân viên tháng này, chủ quán bún riêu ở phường Dịch Vọng Hậu chỉ biết thở dài.
“Cả năm nay lỗ triền miên, nghe tin hàng quán lại sắp phải bán mang về, tôi thấy mệt mỏi nhưng phải cố gắng chứ không biết làm thế nào. Bán qua app không hiệu quả vì chiết khấu cao, doanh thu có khi giảm 60-70% so với phục tại chỗ. Nguyên liệu cũng sẽ phải giảm đi để cầm chừng, chứ bán đồ cũ là mất khách. Để gắng gượng duy trì cửa hàng, tôi buộc phải cắt giảm nhân viên dù không hề muốn”, chị nói.
Không mơ đến thưởng Tết
Phạm Văn Sinh (31 tuổi, quê Nam Định), nhân viên quán phở trên đường Vũ Phạm Hàm, lên Hà Nội làm thuê nhiều năm nay. Vì dịch bệnh, thu nhập của anh bấp bênh, không đủ để lo cho gia đình.
“Mấy tháng giãn cách xã hội không có việc, tôi phải về quê. Vừa lên đi làm được không lâu giờ lại nghe hàng quán sắp phải bán mang về. Vợ tôi ở quê làm thuê cho công ty, trước kia còn được tăng ca, giờ dịch công ty cũng cắt hết và cho nghỉ luân phiên. Năm nay, vợ chồng tôi không tích cóp được gì mà còn phải đi vay tiền về trang trải”, anh thở dài nói.
“Năm nay, nếu hàng quán cứ đóng, mở liên tục thế này, có lẽ tôi sẽ tìm công việc khác chứ thu nhập bấp bênh thì không thể trụ được”, anh kết luận.
Làm ở chuỗi cà phê có tiếng trên đường Tô Hiệu, Nguyễn Minh Hòa (sinh năm 1994) cho biết mọi năm, cô làm việc tới tận 29 âm lịch. Từ 30 tới mùng 4, nhân viên đi làm sẽ nhận lương gấp 3.
"Nhưng năm nay tôi không dám nghĩ tới việc đó, thậm chí phải chấp nhận sẽ không có thưởng Tết hay hỗ trợ gì nếu làm trong lễ. Không chỉ riêng tôi, các nhân viên khác cũng không dám hỏi về việc này vì biết cả năm qua, quán đã phải gồng gánh mặt bằng, đóng mở liên tục. Chủ quán còn hỗ trợ một phần lương cho nhân viên trong những tháng làm ăn khó khăn, như vậy đã là quá tốt", Hòa nói.
Cô cũng chia sẻ đã tìm thêm nghề tay trái, nhập hàng online về bán.
"Tôi muốn làm việc trong ngành F&B nhưng sự bếp bênh của mảng này trong nhiều tháng qua đã khiến tôi phải thực tế hơn. Không thể đủ sống nếu nơi làm việc liên tục đóng, mở như thế này", Hòa kết luận.
Từ 12h ngày 8/1, hàng quán ở 9 phường Bạch Mai, Đống Mác, Đồng Tâm, Đồng Nhân, Lê Đại Hành, Phố Huế, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng sẽ được cho phép kinh doanh tại chỗ.
Tại Hoàn Kiếm, từ 12h ngày 10/1, phường Phan Chu Chinh, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Tràng Tiền và Hàng Bạc được cho phép hàng ăn uống (trừ kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ với 50% công suất chỗ ngồi và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Tương tự, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quận Tây Hồ được bán tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày, trừ 3 phường Bưởi, Xuân La, Yên Phụ.
Trước đó, quận Đống Đa cho phép các cửa hàng, quán ăn, uống trên địa bàn được phục vụ tại chỗ, sau khi thành phố xác định cấp độ dịch Covid-19 của quận này ở cấp độ 2.
Chỉ có quận Cầu Giấy tăng cấp độ dịch, trở thành "vùng cam" theo công bố tối 7/1. Dự kiến, hàng quán ăn, uống tại đây chỉ bán mang về trong thời gian tới.
Theo Thảo Thu, Hà Nam/Zing