Mỗi khi có việc đột xuất, chị Phương Linh (24 tuổi, trú tại Hà Nội) lại tìm đến xe công nghệ. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, người dùng này tỏ ra khá bức xúc khi tốn nửa tiếng đồng hồ mới có phương tiện di chuyển.
“Ứng dụng báo đã tìm thấy tài xế nhưng tôi ngồi đợi mãi, xem trên bản đồ thì thấy họ vẫn đứng yên. Khoảng 5-10 phút sau thì tài xế hủy ngang không rõ lý do, buộc tôi phải đặt chuyến mới. Việc này lặp đi lặp lại 2-3 lần và diễn ra khá thường xuyên”, chị Linh trần tình.
Trước tình hình giá nhiên liệu tiếp tục leo thang, nhiều hãng gọi xe công nghệ quyết định triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, thưởng nóng cho đối tác. Tuy nhiên, do bất đồng với chính sách của hãng, một số tài xế đã chuyển sang quấy rối khách hàng trên ứng dụng.
Tài xế tố hãng cắt thưởng
Gojek đang là một trong những ứng dụng hứng chịu nhiều chỉ trích của tài xế nhất thời gian qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ động thái thay thế chính sách thưởng hoạt động bằng chương trình đảm bảo thu nhập của hãng.
Bên cạnh doanh thu từ các cuốc xe, thu nhập của lái xe còn phụ thuộc vào khoản thưởng cuối ngày. Đối với tài xế có thâm niên, khoản tiền này có thể chiếm 20-30% thu nhập mỗi ngày.
Hiện nay, hầu hết hãng xe đều áp dụng chính sách thưởng hoạt động. Sau khi tích lũy đủ một số điểm nhất định, đối tác sẽ được hưởng mức tiền thưởng tương ứng.
|
Nhiều tài xế phản đối chính sách thưởng của Gojek. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Ví dụ tại thị trường Hà Nội, tài xế beBike có thể nhận được tối thiểu 20.000 đồng và cao nhất 320.000 đồng tùy vào thời gian hoạt động, tài xế Baemin được thưởng 30.000-360.000 đồng còn GrabBike từ 40.000 đến 360.000 đồng.
Trước đó, tài xế GoBike từng được thưởng tối đa 380.000 đồng nếu hoàn thành đủ 4 mốc điểm tích lũy. Với chính sách đảm bảo thu nhập, nếu có đủ điểm tích lũy nhưng không đạt doanh thu ổn định, Gojek sẽ bù phần còn tiền thiếu cho tài xế.
Chính sách này đưa ra 4 mốc điểm là 30, 65, 95, 120 tương ứng mức doanh thu ổn định 200.000 đồng, 350.000 đồng, 650.000 đồng và 850.000 đồng. Ví dụ nếu đối tác đạt 30 điểm nhưng doanh thu chỉ có 150.000 đồng, ứng dụng sẽ bù thêm 50.000 đồng.
"Chính sách mới có quá nhiều bất cập và không khác nào hãng cắt thưởng gián tiếp. Trước ngày nào chạy cũng có thưởng, giờ thì ngày thưởng ngày không, mức thưởng thì không bõ tiền xăng", Văn Luận, tài xế Gojek nói.
Sau một tuần chạy theo chính sách mới, Văn Luận - tài xế Gojek - chỉ có 3 ngày nhận được thưởng với tổng tiền chưa đến 300.000 đồng. Mặt khác, lao động này có thể nhận được gần 2 triệu đồng nếu hoàn thành mốc tích lũy thứ 3 liên tục trong 7 ngày.
“Có hôm tôi hoàn thành 33 đơn, điểm tích lũy chưa được 95 nhưng tổng thu nhập đã vượt 650.000 đồng rồi. Điều này tức là tôi không có nhận được bất cứ quyền lợi nào từ chính sách mới”, anh Luận bức xúc.
Tương tự, sau khi hoàn thành 39 đơn hàng và đạt 120 điểm, một tài xế khác của Gojek tên Hữu Ngọc chỉ nhận được 150.000 đồng tiền thưởng. Nếu là chính sách cũ, anh có thể nhận được 380.000 đồng.
Để phản đối, không ít tài xế Gojek đã tuyên bố tắt app, ngừng chạy. Song, những lái xe khác lại có hành vi cản trở hoạt động của ứng dụng, từ đó ảnh hưởng đến nhiều khách hàng.
Bên cạnh việc nhận, câu giờ rồi hủy ngang cuốc xe, một số tài xế thậm chí còn nhắn tin trêu đùa, làm phiền khách hàng nhằm bôi nhọ hình ảnh của ứng dụng.
Phát hiện nhiều hành vi quấy phá
Trao đổi với Zing, đại diện Gojek không đề cập đến tình trạng tài xế quấy phá, đồng thời cho biết hiệu suất của lực lượng tài xế vẫn được duy trì ổn định, không có sự biến động đáng kể. Ngoài ra, hãng cũng nhấn mạnh nguồn cung tài xế đang tăng trưởng ổn định và khả quan.
Tuy nhiên, theo một thông báo trước đó gửi trực tiếp tài xế, hãng đã phát hiện nhiều trường hợp đối tác có hành vi không đúng mực, ảnh hưởng đến khách hàng và quá trình hoạt động của tài xế khác. Do đó, ứng dụng khẳng định đã phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác định và xử lý những trường hợp vi phạm.
Về mặt chính sách, kể từ cuối tháng 6, Gojek bắt đầu bổ sung hai chương trình thưởng mới dành cho tài xế xe hai bánh là song song với đảm bảo thu nhập.
|
Gojek đang là hãng gọi xe có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Theo Gojek, các chính sách của hãng hướng tới tính công bằng và cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cân đối với các khoản đầu tư.
“Chúng tôi hiểu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, bao gồm việc xăng tăng giá, các đối tác phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì hoạt động. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe ý kiến của các đối tác tài xế và nỗ lực đưa ra các chính sách sao cho cân đối lợi ích của các thành viên trong hệ sinh thái Gojek, nhằm đảm bảo sự hoạt động ổn định và bền vững của nền tảng để mang lại sinh kế lâu dài cho các bên”, đại diện hãng chia sẻ.
Trên thực tế, việc bổ sung chính sách hỗ trợ, thưởng nóng mới cho tài xế vẫn phát sinh ý kiến trái chiều. Dẫu vậy, các tài xế hy vọng sẽ nhận được thêm điều chỉnh tích cực từ ứng dụng để có thể gắn bó lâu dài.
Nói thêm về vấn đề này, Gojek cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường nhằm đưa ra chính sách đảm bảo cho tài xế có thu nhập xứng đáng và mức giá cuối cùng phù hợp với người dùng.
“Việc đối tác hoạt động ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung - cầu, từ đó giúp ổn định mức giá cho người dùng và tránh ảnh hưởng đến khả năng nhận đơn hàng mới của tài xế”, hãng lưu ý.
Theo Minh Khánh/Zing