Hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam giảm đáng kể trong quý 1/2023. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và AgroMonitor, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm 23% trong quý 1/2023 so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu cho là do các doanh nghiệp vận hành trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) giảm lượng hàng tồn kho từ nửa cuối năm 2022 do mức tiêu thụ chậm và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ cải thiện trong khi sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trong quý 2/2023. Giá trị xuất khẩu trong quý 2/2023 tăng 7% so quý trước chủ yếu nhờ sự phục hồi của sản lượng (+6% so quý trước).
Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 39% so quý trước và 9% so quý trước, đạt mức phục hồi cao nhất so với quý trước trong các thị trường xuất khẩu chính. Tương ứng với mức chi tiêu ổn định hơn dự kiến của người tiêu dùng và chỉ số niềm tin tiêu dùng mạnh hơn tại thị trường Mỹ vào quý 2/2023, triển vọng cho nhu cầu dịch vụ ăn uống - vốn là kênh phân phối chính của phi lê cá tra đông lạnh - có vẻ khả quan hơn.
Khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, VCSC kỳ vọng các đơn hàng từ thị trường Mỹ, thị trường lớn thứ hai của ngành cá tra Việt Nam, sẽ phục hồi. Trong khi đó, triển vọng phục hồi của cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc có vẻ kém mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2023 so với giai đoạn đầu năm do những khó khăn kinh tế hiện tại ở quốc gia này.
Nguồn cung cá tra giảm do chi phí nuôi trồng cao và thời tiết xấu. Sản lượng thu hoạch cá tra giảm 15% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu do giá cá nguyên liệu giảm do lượng đơn hàng thấp và biên lợi nhuận thu hẹp do chi phí nuôi trồng thủy sản cao.
Với điều kiện thời tiết El Nino được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2023 và giá hàng hóa nông sản cao hơn do xung đột Nga-Ukraine, VCSC cho rằng chi phí nuôi trồng sẽ vẫn ở mức cao và sự sụt giảm nguồn cung cá tra sẽ kéo dài trong thời gian còn lại của năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
VCSC kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi so với quý trước bắt đầu từ quý 3/2023 với cán cân cung-cầu thuận lợi hơn. VCSC giả định rằng sản lượng xuất khẩu sẽ phục hồi đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2023 do niềm tin của người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế chính như Mỹ đang có vẻ mạnh mẽ hơn dự kiến trước đây.
VCSC tin rằng cá tra sẽ củng cố vị thế trên thị trường quốc tế như một lựa chọn kinh tế thay thế cho các loại cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên đắt tiền khác. Điều này, cùng với nguồn cung cá tra hiện tại bị hạn chế, sẽ dẫn đến giá bán phi lê cá tra cao hơn. Các nhà chế biến cá tra sở hữu hoàn toàn hoặc kiểm soát phần lớn nguồn cung cá sẽ được hưởng lợi.
Với những nhận định đó, VCSC nâng giá mục tiêu cho CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) thêm 26% lên 86.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan. Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ việc nâng dự báo lãi ròng giai đoạn 2023/2025 thêm 12% (tăng lần lượt 24%/10%/8% cho các năm 2023/2024/2025), khi VCSC kỳ vọng lợi nhuận từ mảng phi lê đông lạnh phục hồi rõ nét hơn vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
VCSC cho rằng VHC có triển vọng tăng trưởng dài hạn khả quan nhờ vị thế mạnh của cá tra phi lê đông lạnh trên thị trường cá thịt trắng toàn cầu và mảng collagen & gelatin (C&G) vốn có biên lợi nhuận cao của VHC tăng trưởng bền vững.
Rủi ro đối với quan điểm ngành tích cực của VCSC là suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hơn dự kiến; căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giá thức ăn chăn nuôi cao hơn dự kiến.
|
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra niêm yết lớn của Việt Nam |
Minh An