1. Tiết kiệm theo giai đoạn
Quá trình kéo dài một năm hay 52 tuần. Điểm mấu chốt là mỗi tuần sau bạn tiết kiệm một món lớn hơn tuần trước một chút. Chẳng hạn, tuần đầu bạn để ra 5.000, tuần sau là 10.000, tiếp đó là 15.000. Tuần cuối cùng, số tiền bạn cất đi là 260.000. Như vậy, đến cuối năm, bạn sẽ có tổng là 6.890.000.
Phương pháp này chỉ hiệu quả khi bạn dành dụm đều đặn và không đụng tới khoản đó. Nếu thấy quá khó, bạn có thể giảm số tiền hoặc để dành mỗi tháng thay vì mỗi tuần.
2. Trả nợ theo phương pháp từng ít một
Khi trả hết nợ, bạn sẽ được tự do để đạt được các mục tiêu tài chính. Có hai chiến thuật cơ bản để thanh toán nợ: Trả những khoản có lãi suất cao nhất trước, hay trả những khoản tiền nhỏ nhất trước. Mặc dù nhiều người chọn cách thứ nhất vì có lợi về phép tính, các nghiên cứu sau này cho thấy ưu tiên các khoản nợ nhỏ hay còn gọi là "phương pháp quả bóng tuyết" là hiệu quả nhất.
Phương pháp này được phổ biến bởi bậc thầy về tài chính Dave Ramsey. Hãy liệt kê các khoản nợ, sau đó giải quyết những món nhỏ nhất trước, rồi cứ dần dần trả tiếp cho tới khi hết nợ hoàn toàn. Khi thanh toán hết một món nợ, bạn có thêm động lực để tiếp tục trả tiếp khoản khác.
Mặc dù vậy cũng cần cẩn trọng. Một nhà nghiên cứu nói rằng phương pháp này hiệu quả nhất với những khoản nợ tiêu dùng có lãi suất không chênh nhau nhiều. Nhưng nếu một khoản nợ có lãi suất cao hơn nhiều các món khác, thì hãy tập trung trả khoản đó trước.
3. Kết hợp quần áo
Chi nhiều tiền vào thời trang khiến bạn tốn kém. Chạy theo các xu hướng chẳng bao giờ có điểm dừng, mà nên sử dụng thời gian, tiền bạc của bạn cho việc khác.
Có nhiều cách để ăn mặc đơn giản mà nhìn vẫn đẹp, vẫn phong cách, lại không mất nhiều tiền. Hãy tạo một tủ quần áo capsule wardrobe - có nghĩa là một tủ bao gồm vài món đồ căn bản mà có thể dễ dàng kết hợp với nhau, tạo ra rất nhiều phong cách, qua đó tiết kiệm tiền mua sắm và nhất là tiết kiệm thời gian cho khổ chủ.
Ít quần áo = dễ chọn lựa quần áo + ít giặt ủi + những ngày đơn giản hơn.
4. Mua và tiết kiệm
Mẹo dễ dàng này giúp bạn tiết kiệm mà không phải khổ sở từ bỏ sở thích mua sắm. Điều cốt lõi là hãy để dành một phần tiền mỗi lần bạn tiêu gì đó. Chẳng hạn, nếu bạn định tiết kiệm 10% cho mỗi lần đi mua đồ, thì khi sắm một chiếc áo mới giá 300.000, bạn hãy "đút lợn" 30.000. Nếu bạn mua sắm 1.500.000 một tháng, bạn sẽ tiết kiệm được 1.800.000 một năm.
Bạn có thể tự quyết xem mình sẽ để dành tiền tất cả các lần mua hay chỉ khi chi một khoản lớn hơn thông thường. Cách này rất dễ dàng nếu bạn có thẻ tín dụng. Nhiều ngân hàng cho bạn tiết kiệm một khoản tiền nhất định mỗi lần bạn tiêu bằng thẻ.
5. Đầu tư vào bản thân trước tiên
Đây là lời khuyên của Samuel Rad, một nhà hoạch định tài chính tại Đại học California tại Los Angeles (Mỹ). Cài đặt chế độ tự động chuyển tiền lương sang tài khoản tiết kiệm khi tới ngày. Cách này đảm bảo bạn không bao giờ rỗng túi.
Chúng ta rất dễ rơi vào cảnh này: Bạn nhận được một khoản rồi đi ăn bữa ngon, mua một chiếc áo mới, sau đó đi xem phim và rồi nhận ra rằng mình không còn đủ tiền để đóng bảo hiểm xe tháng này. Khi bạn chi trả các khoản cần thiết trước, bạn sẽ không gặp phải vấn đề đó.
6. Giới hạn lựa chọn mua sắm
Tùy thuộc bạn đang sống ở đâu, bạn có thể có nhiều lựa chọn cửa hàng để đến mua sắm. Thông thường sẽ có những cửa hàng có mức giá tốt hơn số còn lại, nhưng việc tìm ra được sản phẩm này ở cửa hàng nào có giá tốt hơn sẽ khiến bạn rối tinh, rối mù. Vì thế, bạn chỉ cần chọn cho mình một hai cửa hàng ưng ý nhất.
Ít cửa hàng mua sắm = ít chạy xe vòng vòng + ít tốn xăng + không đau đầu lựa chọn.
7. Biến thói quen xấu thành việc tiết kiệm
Điểm chính của cách này là để ra một khoản tiền cố định cho mỗi thói quen xấu bạn mắc phải. Chẳng hạn, bạn thường xuyên đi làm muộn hay liên tục bỏ lỡ buổi tập gym. Mỗi lần như vậy, hãy cất đi 10.000, 30.000 hay thậm chí 200.000. Điều quan trọng nhất là ấn định khoản tiền này ngay từ đầu và không được giảm bớt.
Phương pháp này sẽ giúp bạn vừa dần từ bỏ thói quen xấu vừa tiết kiệm được tiền. Chẳng hạn, nếu bạn để ra 200.000 mỗi tháng, bạn sẽ dành dụm được 2.400.000 một năm.
8. Thử thách bản thân bằng một tháng không tiêu tiền
Các thử thách tiền bạc khá thú vị bởi chúng biến các thói quen tài chính tốt thành một trò chơi. Hãy bắt đầu bằng việc thách thức bản thân một tháng không tiêu xài. Rất đơn giản: Cam kết suốt 30 ngày chỉ chi cho các thứ thiết yếu. Đi bộ hay xe đạp hoặc xe công cộng tới mọi nơi thay vì lái ôtô, mang bữa trưa đi làm hằng ngày, lựa chọn các cách giải trí miễn phí như đi công viên thay vì tốn tiền vào rạp chiếu phim. Nếu bạn thất bại, đừng nản chí. Mục tiêu có thể không đạt được nhưng ý tưởng tổng thể là tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều tiền hơn.
Bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong giai đoạn một tháng này mà còn thấy mình biết đánh giá lại các thói quen tiêu xài cũ và điều chỉnh cho phù hợp.
Theo PV/ GiadinhNet