"Đại gia cá tra" lặn mất tăm, ôm nợ trăm tỷ
Mới đây nhất, báo Tiền Phong đưa tin, vợ chồng bà chủ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) bỗng biến mất khỏi địa phương. Điều này khiến hàng loạt hộ nuôi cá tra thực hiện chuỗi liên kết với Tafishco có Agribank An Giang tham gia, rất hoang mang vì nguy cơ mất cả trăm tỷ đồng, sạt nghiệp.
|
Một trong những ao nuôi cá tra theo chuỗi nay hoang tàn. Ảnh: Tiền Phong. |
Trước đó, tin tức trên báo Pháp luật TP.HCM (PLO) cho hay, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An là ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch HĐTV và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc.
Từ báo cáo của công ty và các cơ quan chức năng cho thấy ông Sơn và bà Huệ Trinh đã đi Trung Quốc để tham dự hội chợ nghề cá từ ngày 29/10/2016 và từ đó đến nay chưa về công ty. Việc tham dự hội chợ nghề cá của hai người là theo chương trình xúc tiến thương mại của công ty và đến nay các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của họ.
Mặt khác, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã vào cuộc xác minh vụ vợ chồng bà Trinh bỏ ra nước ngoài, về các khoản doanh nghiệp này vay ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng NN&PTNT An Giang và Ngân hàng Phát triển khu vực An Giang - Đồng Tháp đã tiến hành làm thủ tục đối chiếu công nợ, đề nghị thanh lý tài sản để thu hồi, giải quyết các khoản cho doanh nghiệp này vay.
Cũng theo Tuổi trẻ, tính đến tháng 11/2016, Công ty TNHH Thuận An vay Ngân hàng NN&PTNT cùng các ngân hàng khác có tổng dư nợ gần 600 tỉ đồng và hơn 2,51 triệu USD, nợ người nuôi cá 120 tỉ đồng, nợ tiền mua bao bì, hóa chất một số doanh nghiệp 20 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 3,43 tỉ đồng...
Những ngày qua, hơn chục hộ dân nuôi cá tra theo chuỗi liên kết ở tỉnh An Giang gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc chủ Cty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An – Tafishco, trụ sở ở tỉnh An Giang ôm tiền cá của dân bỏ trốn, trong khi đó ngân hàng lại quay sang siết nợ những người nuôi cá…
Đây không phải lần đầu các đại gia thủy sản vỡ nợ khiến dư luận xôn xao. Có thể điểm qua hai đại gia "nổi bật" nhất dưới đây.
Đại gia thủy sản Phan Bá Tòng
Đại gia thủy sản Phan Bá Tòng xuất thân từ gia đình khá giả ở Cà Mau. Năm 2005, ông Tòng thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Theo thông tin trên Zing, vốn điều lệ của công ty này là 70 tỷ đồng. Năm 2009, công ty xây dựng 2 nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3. Lúc cao điểm, các nhà máy này thu hút đến 3.500 công nhân với công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Thị trường xuất khẩu của công ty được phát triển tới 40 nước và đầu tư 12 trang trại thủy sản khép kín.
Đến 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, công ty của ông Phan Bá Tòng cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này.
|
Đại gia thủy sản Phan Bá Tòng khi chưa bị bắt. Ảnh: Internet. |
Theo thông tin trên báo ĐSPL, vào năm 2011, Công ty Thiên Mã nợ 5 ngân hàng với số tiền hơn 430 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn điều lệ của công ty. Bên cạnh đó, công ty nợ nhiều chủ nợ bên ngoài hơn 50 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Ba nhà máy của công ty ngưng hoạt động.
Cuối 2012, Thiên Mã tiếp tục thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá…
Sau khi thông tin này bị phát giác trên các phương tiên thông báo chí, “đại gia” Tòng thừa nhận, không có khả năng trả lãi cho ngân hàng và chờ tái cơ cấu. Ngày 31/3/2016, ông Tòng cùng Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã đã bị Cục cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) bắt giữ.
Đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân
Tiếp đó phải kể đến đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) - đã chỉ đạo nhân viên của mình dùng nhiều chiêu trò để “rút ruột” ngân hàng.
|
Cha con Lâm Ngọc Khuân đã bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế. Ảnh: Nhật Tân/Zing. |
Cụ thể, thông tin trên Zinh cho hay, theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998. Doanh nghiệp này trở thành công ty cổ phần sau đó 2 năm, vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Phó giám đốc Công ty Phương Nam là Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi); Lâm Minh Mẫn (35 tuổi) là Kế toán trưởng.
Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung năm nào cũng có lãi.
Từ những hồ sơ này, khi quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng, Phương Nam đã vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đáo nợ và trả lãi vay.
Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Hân (Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng lên đến 1.679 tỷ đồng. Cho rằng cha con ông Khuân lừa đảo, Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, khởi tố 29 bị can.
Hiện ông bị Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế, còn 25 cán bộ của các ngân hàng bị tòa cấp sơ thẩm tuyên từ 2 đến 14 năm tù.
Hồng Liên (tổng hợp)