Những “gà đẻ trứng vàng” của Tổng Công ty XNK Bình Dương

Google News

Năm 2022, PRT ghi nhận cổ tức khủng 310 tỷ từ Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade và Công ty TNHH Friesland Campina VN. Năm 2023 lên kế hoạch lãi giảm.

Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (UPCoM: PRT) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 30/6 tới. 
Theo đó, năm 2023, PRT đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 1.426 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 309 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2022, PRT thực hiện được 1.607 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng, đều đạt kế hoạch đề ra. Như vậy, kế hoạch 2023 của PRT ghi nhận giảm 11% về doanh thu và 2,5% về lợi nhuận so năm 2022.
Nhung
 Kế hoạch năm 2023 của PRT
"Gà đẻ trứng vàng" Quốc tế Protrade và Friesland Campina
Đóng góp lớn trong kết quả 2022 của PRT là mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lãi chênh lệch tỷ giá và giảm chi phí lãi vay tại các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nên việc bán cây kiểng của Tổng công ty cũng không thuận lợi như kỳ vọng, chỉ đạt 45% kế hoạch đề ra.
Nhờ doanh thu tài chính, mà cụ thể là cổ tức các khoản đầu tư vào công ty con và liên kết mà PRT ghi nhận hơn 332 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch đề ra. Trong đó, đóng góp từ Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade với cổ tức được chia lên tới 184 tỷ đồng do vượt kế hoạch và Công ty TNHH Friesland Campina VN là 126 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch.
Bên cạnh đó, trong năm PRT ghi nhận doanh thu tài chính từ lãi cho vay với số tiền hơn 14 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành và lãi tiề ngửi tại các tổ chức tín dụng số tiền 4 tỷ đồng.
Ngược lại, PRT cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí tài chính tăng trong năm 2022 do phát sinh lãi vay phải trả cho Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade khoảng 7,8 tỷ đồng. CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc sản xuất kinh doanh có lãi nên PRT hoàn nhập chi phí dự phòng khoảng 18 tỷ đồng.
Ngoài ra, PRT tiếp tục trích lập dự phòng các khoản đầu tư vào công ty con, liên kết hơn 78 tỷ đồng như Công ty TNHH Sân golf Palm Sông Bé, Giấy Vĩnh Phú, Phát triển Phú Mỹ, Tân Thành, Cao su Dầu tiếng Việt Lào...
Nhung
 Cơ cấu nguồn thu từ các công ty con của PRT trong năm 2022
Ghi nhận khoản phải thu tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung và tiền chậm nộp 1.060 tỷ đồng và trích lập 15 năm
Đặc biệt, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc ghi nhận khoản phải thu tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung theo bản án số 912/2022/HS-PT ngày 28/12/2022 và tiền chậm nộp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV và trích lập dự phòng phân bổ 15 năm tại từng thời điểm lập báo cáo tài chính.
Cụ thể, ngày 1/11/2021, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề nghị PRT nộp số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là 286,6 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2022, theo Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản, buộc PRT phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất số tiền còn thiếu 761 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh 12,4 tỷ đồng.
Vì vậy tổng số tiền PRT phải nộp bổ sung là 1.060 tỷ đồng. Trong đó, PRT đã nộp gần 146 tỷ trong tổng 286,6 tỷ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và 773,5 tỷ bổ sung tiền sử dụng đất.
Trong khi đó, PRT chưa được phê duyệt quyết toán cổ phần hoá.
Do đó, HĐQT xin ý kiến cổ đông cho phép PRT được ghi nhận khoản phải thu tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung và tiền chậm nộp 1.060 tỷ. Hàng năm, PRT sẽ trích lập dự phòng khoản phải thu này và phân bổ 15 năm. Trường hợp khi được phê duyệt quyết toán cổ phần hoá, PRT sẽ hoàn nhập lại chi phí này. 
Thành viên HĐQT thoái vốn khi cổ phiếu trên đà tăng
Trên thị trường, cổ phiếu PRT đang tăng trần trong phiên ngày 12/6 lên mức 17.900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 32% chỉ trong vòng 1 tháng qua. 
Trong bối cảnh cổ phiếu đang trên đà tăng, ông Nguyễn Văn Thiền – Thành viên HĐQT PRT đã đăng ký thoái toàn bộ 1,5 triệu cp đang nắm giữ, tương đương 0,5% vốn từ ngày 13/6-11/7.
Liên quan đến cổ phiếu PRT, cổ phiếu này đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4 với lý do BCTC năm của Công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp.
Trong văn bản giải trình, PRT cho biết BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 của Công ty có 6 ý kiến ngoại trừ, tất cả các vấn đề được đề cập đều phát sinh trước giai đoạn cổ phần hóa. Hiện nay, các vấn đề này đang phải chờ hướng dẫn từ cấp có thẩm quyền và chờ quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa. PRT kỳ vọng ngày sau khi hoàn thành quyết toán cổ phần hóa, các ý kiến ngoại trừ sẽ được giải quyết.
Minh An