Nuôi tôm hùm đỏ chui để hại lúa
Gần đây, người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng như dư luận trong nước xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi tới và đi lùi trên những mảnh đất được một doanh nghiệp thuê trồng sen. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi. Theo miêu tả của người dân, sinh vật lạ này hình dáng giống tôm lai với cua, nhìn thoáng qua có phần giống con bò cạp. Tôm có màu đỏ, lớp vỏ bên ngoài rất cứng và khá hung dữ. Chi cục Thủy sản Tỉnh Đồng Tháp xác định sinh vật lạ do ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Theo báo Tuổi Trẻ, doanh nghiệp đứng ra thuê đất ở xã Tân Hội Trung là Công ty sen Hoàng Giang do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc. Doanh nghiệp này thuê đất của nông dân trong thời hạn 3 năm, giá khoảng 3,5 triệu đồng/công/năm để triển khai dự án trồng sen. Nhưng loại sen được trồng đều chết hết mặc dầu số tiền đầu tư cho đất thuê và xây nhà xưởng không nhỏ, khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền thuê đất rất cao khiến người dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch để giao đất theo thời hạn doanh nghiệp của ông Hòa quy định.
|
Cận cảnh tôm hùm đỏ 10 càng hại lúa được nghi do người Trung Quốc nuôi chui ở Đồng Tháp. Ảnh: Dân Việt. |
Trả lời trên báo Dân Việt, Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi. Trường hợp Công ty Sen Hoàng Giang nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
Ốc bươu vàng: Sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng
Vụ việc nông dân miền Tây nuôi ốc bươu vàng thay vì tận diệt để bảo vệ lúa tạo nên đại dịch ốc bươu vàng... Thời điểm năm 2013, một số tỉnh ở ĐBSCL rộ lên tình trạng người dân đua nhau nuôi, bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc.
|
Vì lợi nhuận trước mắt, người dân miền Tây đồng loạt nuôi ốc bươu vàng và tìm bắt loài ốc này bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Soha. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ốc bươu vàng là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam do chúng sinh trưởng rất nhanh, khó tiêu diệt và có sức phá hoại rất khủng khiếp. Ốc bươu vàng có thể cắn ngang thân cây lúa, ăn trụi thành từng đám, khiến nhiều diện tích lúa bị chết hoàn toàn khi người dân đua nhau nuôi ốc bươu vàng thì không thể kiểm soát được ốc bươu vàng tràn ra môi trường sẽ phá hoại cây lúa và môi trường.
Đổ xô nuôi đỉa bán cho thương lái Trung Quốc
Thời điểm nửa cuối năm 2011, nhiều người dân miền Tây đổ xô ra đồng săn bắt. Dụng cụ mà bà con sử dụng là những túi vôi bột trộn thuốc lào, khi bắt gặp đỉa thì nhúng túi vôi bột vào con đỉa, chúng sẽ co lại, chỉ việc dùng vợt hớt lên. Điều đáng nói, vì lợi ích kiếm tiền trước mắt, nhiều hộ dân ở Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao hồ để mang bán.
|
Cảnh người dân bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Tin mới. |
Cũng thời điểm này, những đợt dịch trên các vật nuôi do đỉa sinh sôi quá mức trong một khu vực nhất định gây ra như: cá rô phi tại Quảng Ninh, cá bống bớp tại Nam Định, cá he ở miền Nam… bị chết hàng loạt.
Thậm chí ở Khánh Hòa, đỉa còn tấn công và giết chết cả cá sấu giống. Ngoài ra, đỉa sinh sôi quá mức sẽ gây mất cân bằng sinh thái.Chúng ta tự gây họa cho ta vì chưa ý thức hết được những hành động của mình.
Ngoài những vụ việc nghiêm trọng nói trên, rùa tai đỏ, chuột hải ly, chồn nhung đen cũng là những sinh vật lạ được nuôi ở Việt Nam đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta.
Linh Hồ (tổng hợp)