Anh Nguyễn Đình Quỳnh (Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) mới ba mươi tuổi nhưng rất mê những vật nuôi dị thường như nhím, trĩ, ngỗng trời. Anh Quỳnh hiện là ông chủ của đàn công gồm 30 con bố mẹ, 40 con non, tính sơ sơ đã trị giá bạc tỷ. Đây là nghề hái ra tiền khi đàn công đem lại cho Quỳnh mỗi năm khoảng 300-400 triệu riêng tiền lãi và không bao giờ đủ hàng để bán.
Giá mỗi quả trứng công 600.000 - 800.000 đồng, một cặp công non hai tháng tuổi giá 3 triệu đồng, một cặp công trưởng thành có giá từ 18-25 triệu đồng.
Giàu nhờ làm bạn với tử thần
Gia đình chị Hoàng Thị Dung và anh Phan Đình Công ở Buôn Ma Thuột, ban đầu chỉ
nhập rắn về nuôi lấy thịt bán. Nhưng sau thấy việc chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc nhưng lại là
nghề hái ra tiền nên anh chị đã tìm hiểu cách nhân giống, gây đàn và đã thành công.
|
Chị Dung đã thoát nghèo nhờ nuôi rắn hổ trâu.
|
Chị Dung cho biết: “Loài rắn hổ trâu thường ăn cóc, nhái, sinh trưởng rất nhanh, ít bệnh tật, trung bình một năm đạt từ 1,7kg-3kg/con. Sau 3 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã có hàng trăm cặp rắn bố mẹ, rắn nuôi lấy thịt và rắn con”.
Khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải chủ động mang đi bán cho từng quán ăn, sau đó, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000đ – 1 triệu đồng mỗi kg rắn. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình tăng mạnh.
Nông dân bán cáp treo tự chế hàng trăm triệu
Từ đầu năm 2014 đến nay, nhà nông Nguyễn Hữu (44, Mimosa, phường 10, Đà Lạt) đã “bán cáp treo” cho nhiều nơi trong cả nước - từ các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng ra đến các tỉnh miền núi phía Bắc.
Từ đầu năm đến nay, ông Hữu đã bán công nghệ “cáp treo” khi “lấy hữu nghị” 75 triệu đồng tiền công tư vấn thiết kế và hướng dẫn lắp đặt, đưa vào sử dụng 2 hệ thống cáp treo tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hà Giang, tổng chiều dài gần 1,5km vượt qua sông, suối với độ cao hàng chục mét để vận chuyển các loại vật liệu xây dựng như đá chẻ, gỗ lóng…
Tương tự, tại vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận, ông Hữu “bán” 4 bản vẽ và 4 giàn máy điều khiển “cáp treo” với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, giàn “cáp treo” này đã phát huy hiệu quả hoạt động với trọng tải mỗi “cabin” hơn 100kg cát, đá, xi măng… chuyển từ bờ biển vượt lên núi cao (từ 30-70m) để thi công các công trình xây dựng.
Buôn lá tre thành tỷ phú
Người phụ nữ từng bị dân làng coi là bà điên khi dồn hết vốn liếng vay mượn để mua lá tre về chất đống trong nhà, phơi khô ở sân. Nhiều lần giông tố, gió to, lá tre khô bay mất một nửa, kịp chạy được ít thì lá rách tả tơi. Mưa gió triền miền, bà Triệu cứ nhìn đống lá tre chất ngồn ngộn trong nhà mốc dần và rươm rướm 2 dòng lệ.
Song kiên trì, bà đi khắp các nơi để thu mua lá tre, từ trong làng ngoài xã, rồi sang cả mạn Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), lên tận vùng Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang để thu mua. Đống lá tre chất trong nhà mỗi ngày một cao lên, thậm chí không có lối đi lại.
|
Nhờ buôn lá tre mà bà Triệu thành tỷ phú.
|
Những năm 2000, ai cũng nhắc đến bà Triệu điên lá tre. Tuy nhiên, bà Triệu bỏ ngoài tai dư luận, việc mình làm mình cứ làm. Bà đến tận cơ sở thu mua lá tre của người Đài Loan ở Phú Thọ, sau đó học hỏi công nghệ sấy khô, ép lá bằng máy, bí quyết làm lá đủ độ dai mà không bị mốc. Sau đó, ngày đêm bà Triệu vay chạy tiền để đầu tư mua thiết bị máy móc. Thậm chí bà còn mời1 kỹ sư về nhà, nuôi cơm hàng ngày và nhờ người này dạy cách chế lá tre.
Hiện giờ, trung bình mỗi vụ bà Triệu xuất đi 100 - 200 tấn lá tre sang nước ngoài, mỗi chuyến thu về hàng tỷ đồng.
Theo Infonet