Lắp tủ bếp không sát trần
Lắp tủ bếp không sát trần sẽ khiến bụi bẩn rất dễ bám vào bề mặt phía trên của tủ bếp, rất mất vệ sinh. Do vậy, hãy lắp tủ bếp sát trần để tận dụng được tối đa diện tích và tăng không gian lưu trữ. Tuy nhiên, để trông sáng, thoáng và không bị bí bách, bạn nên sử dụng cửa kính cũng như kết hợp các phụ kiện tủ bếp sao cho hợp lý.
Quá nhiều không gian lưu trữ
Sự tiện dụng, không gian lưu trữ và tính thẩm mỹ là 3 yếu tố kết hợp lại tạo thành một không gian bếp hoàn hảo. Tuy nhiên, một số người lại tận dụng không gian bếp thái quá, lắp đặt quá nhiều tủ bếp, lấp kín hết các mảng tường trống. Làm như vậy sẽ khiến cho không gian bếp trở nên chật chội và bí bách.
Thay vào đó, bạn nên thay một số tủ bếp bằng giá mở, đặc biệt là khu vực phía trên bồn rửa, bếp gas để không gian bếp thoáng đãng hơn.
Sử dụng chất liệu kém bền
Một căn bếp tiện lợi về mặt là điều ai cũng muốn. Tuy nhiên, khi thiết kế không gian bếp, bạn cần đảm bảo những vật liệu được chọn phải dễ vệ sinh và có độ bền cao.
Không chú ý đến không gian kệ bếp
Kệ bếp chiếm một diện tích lớn và là nhân tố trung tâm trong không gian căn bếp. Bởi vậy, sẽ thật sai lầm nếu như bạn không chú tâm đến nó. Bạn có thể mở rộng kệ bếp bằng những giá đỡ, tay nâng để có thêm không gian sử dụng trong khu vực nấu nướng.
Những thiết kế kệ bếp mở sẽ dễ dàng được mở rộng để bạn có được thiết kế vừa bắt mắt, vừa đáp ứng tối đa yêu cầu về công năng.
Khu vực “tam giác” không hợp lý
Bồn rửa, tủ lạnh và bếp được coi là ba điểm quan trọng nhất của mỗi căn bếp, thường gọi là “tam giác làm việc”.
Ba vị trí này cần được bố trí sao cho dễ tiếp cận, dễ di chuyển qua lại. Thông thường luồng di chuyển sẽ theo logic: Đưa thực phẩm từ tủ lạnh ra bồn rửa, sơ chế tại đây và sau đó chuyển sang khu vực nấu.
Vì vậy, lý tưởng nhất là bố trí 3 địa điểm trên theo hình tam giác, hoặc nếu diện tích bếp nhỏ, bạn có thể bố trí thành hình chữ I (chiều dọc) theo luồng di chuyển nêu trên.
Hãy quan tâm đến công năng sử dụng, loại bỏ tất cả những gì cản trở di chuyển giữa ba địa điểm này trong gian bếp của bạn.
Cửa tủ bếp, các ngăn kéo bất tiện
Tủ bếp trên và tủ bếp dưới cần có chiều cao phù hợp với chiều cao người sử dụng. Bên cạnh đó, đừng quên tính toán không gian cho việc mở các ngăn kéo, cánh tủ.
Hãy lường trước việc cửa tủ bếp mở ra vướng vào hệ bàn đảo, hoặc một ngăn góc có thể không mở được cánh do vướng tường. Nên chú ý các ngăn kéo, cửa tủ gần các góc hoặc đối diện nhau.
Hệ thống thông gió, khử mùi kém
Phần lớn các thiết kế bếp hiện nay đều có không gian mở, có sự liên thông với không gian khác trong căn nhà. Do đó đừng quên đầu tư cho thiết bị hút mùi bếp để không ảnh hưởng đến không khí chung trong căn nhà.
Một thiết bị hút mùi cao cấp ngoài việc làm sạch không khí, loại bỏ mùi thức ăn còn giúp cho các vật dụng khác trong bếp sạch sẽ, không bị ám khói.
Một máy hút mùi là rất cần thiết, nếu bạn không đủ chi phí cho nó, hay thiết kế một đường thoát khí riêng, một chiếc quạt trần cũng giúp giải quyết tốt trong tình huống này.
Thiếu ánh sáng
Việc thiết kế hệ thống ánh sáng trong các gian bếp nói chung thường không được đầu tư cả về thời gian, ý tưởng và tài chính vì nghĩ rằng các hoạt động diễn ra ở đây không đòi hỏi sự chính xác cao nên không cần phải quá sáng. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Khi dùng dao hay các vật sắc nhọn khác, nếu ánh sáng không đủ rất dễ xảy ra tai nạn. Ở khu vực bồn rửa cũng vậy, thường ở đây là khu vực ít nhận được ánh sáng nhất nhưng lại là nơi bạn thường xuyên phải tiếp cận ánh sáng nhất, do vậy nếu không đủ ánh sáng sẽ dễ dẫn đến nhiều vấn đề về mắt. Bên cạnh đó, việc vệ sinh bát đũa và các thiết bị nhà bếp cũng cần phải đủ ánh sáng để kiểm soát độ sạch.
Bạn có thể giải quyết vấn đề này dễ dàng bằng hệ thống đèn chiếu sáng nhân tạo, như đèn dây, đèn cạnh thuỷ tinh, đèn chiếu gắn âm, đèn chiếu hộc tủ… Đồng thời, hãy tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên cho căn bếp, bạn sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng.
Theo Đoan Trang/Báo Xây dựng