Theo báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Casper Việt Nam báo lãi sau thuế gần 35 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 25 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo báo cáo riêng từ công ty mẹ cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, Casper Việt Nam vẫn còn lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 816 triệu đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu hợp nhất của Casper là hơn 564 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do năm 2022 Casper Việt Nam lỗ sau thuế hợp nhất âm gần 467 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý II/2023 là 4,09 lần, tương đương nợ phải trả Casper hiện vào mức 2.308 tỷ đồng, giảm hơn 24,4% so với cùng kỳ, trong đó, dư nợ trái phiếu là 300 tỷ đồng. Tổng tài sản của Casper Việt Nam tại thời điểm cuối quý II/2023 đạt 2.872 tỷ đồng.
|
Nợ gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, Casper Việt Nam kinh doanh ra sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Trước đó, năm 2022, Casper Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ lên 5.600 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ sau thuế hợp nhất âm gần 467 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi 60,6 tỷ đồng. Trên báo cáo riêng, lợi nhuận của công ty mẹ cũng giảm mạnh từ hơn 560 tỷ đồng về âm hơn 250 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo Casper Việt Nam, phần lỗ đến từ tổng chi phí hỗ trợ bán hàng tăng 58% lên 1.095 tỷ đồng. Chi phí này hỗ trợ giá, chiết khấu đại lý và kênh phân phối, từ đó giúp giảm giá bán đến tay người tiêu dùng. Lợi nhuận giảm mạnh khiến vốn chủ sở hữu của công ty sụt giảm gần một nửa, từ gần 1.008 tỷ đồng xuống còn 531,5 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng lên gần 3.000 tỷ đồng, bao gồm 300 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, Casper Việt Nam hiện có một lô trái phiếu đang lưu hành, mã CPGCH2225001. Lô trái phiếu này có tổng giá trị 300 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 16/6/2022, với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất phát hành là 11%/năm, kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần.
Được biết, Casper là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan, được thành lập từ năm 2016 và có mặt tại Việt Nam ngay năm đầu thành lập. Hiện, hệ thống phân phối và dịch vụ trực tiếp, gián tiếp của Casper Việt Nam đang phủ hơn 10.000 điểm ở các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các sản phẩm chủ lực của Casper phân phối tại thị trường Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở hai thành phố của Thái Lan và được nhập khẩu nguyên chiếc. Từ 2020, bên cạnh dòng chủ lực là điều hoà, Casper đã phát triển thành công ty điện máy kinh doanh tủ lạnh, ti vi...
Đến nay, theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường quốc tế, Casper Việt Nam đứng số một thị phần điều hòa ở Việt Nam trong tháng 6/2023 với 23% thị phần, tăng 1,4% so với tháng trước, tỷ lệ cách biệt 3% so với vị trí thứ 2. Mặt hàng bán chạy nhất của Casper thuộc phân khúc bình dân.
Đứng ở vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng là các thương hiệu Nhật Bản với tỷ lệ lần lượt là 20,4% và 15,1%.
Trong tháng 6/2023, các thị trường của Casper Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, trong đó có Hà Nội (5,5%), Đà Nẵng (7,9%), TPHCM (3,7%). Trước đó, vào tháng 5, Casper cũng nắm giữ vị trí đầu bảng với 21,6% thị phần, đánh dấu bước chuyển để vượt qua các thương hiệu khác trên thị trường.
Liên Hà Thái (t/h)