Nợ xấu tăng nhưng SHB vẫn không trích lập dự phòng quý 1, bị đánh giá rủi ro

Google News

(Kiến Thức) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) vừa báo lợi nhuận sau thuế 614 tỷ đồng trong quý 1/2020, tăng 3% so cùng kỳ nhờ không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dù nợ xấu tăng. 

Cụ thể, SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần 1,684 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng gấp tới 3,2 lần lên 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động “ngốn” 1,071 tỷ đồng khi tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và đa phần thu nhập ngoài lãi giảm mạnh nên lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB 780 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 5% so với quý 1/2019. 

Do không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, SHB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 614 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của SHB tính đến ngày 31/3/2020 xấp xỉ hồi đầu năm, ở mức gần 368,982 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 282,160 tỷ đồng, tăng 6% và các khoản lãi, phí phải thu 9,641 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. 

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại SHB cũng xấp xỉ đầu năm, ở mức gần 262,540 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ xấu của SHB hơn 6,136 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng 59% và nợ nghi ngờ tăng 63%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của SHB tăng từ 1,91% của đầu kỳ lên mức 2.17%.

No xau tang nhung SHB van khong trich lap du phong quy 1, bi danh gia rui ro
 

SHB được khuyến nghị bán với đánh giá ở mức rủi ro

Theo báo cáo phân tích ngày 8/4 của Chứng khoán Sacombank-SBS về SHB, với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 đang tác động lên các ngân hàng trong đó có SHB. SBS đánh giá SHB ở mức rủi ro và khuyến nghị bán.

Cụ thể, SHB thuộc nhóm ngân hàng vừa và nhỏ có hiệu quả, sử dụng vốn ở mức trung bình trong ngành, mạng lưới phân phối phủ khắp 45 tỉnh thành trong nước và tại Lào, Campuchia, Myanma.

Tuy nhiên, SBS nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp và ảnh hưởng của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ còn kéo dài cả thời gian sau khi hết dịch. Do đó, nguy cơ doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, dù đã được cơ cấu lại nợ, vẫn tiềm tàng. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đã có gói hỗ trợ tín dụng 250,000 tỷ từ các tổ chức tín dụng để xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ để cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiện SHB là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm cao trong các ngân hàng. Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn cũng như vốn chủ sở hữu ở mức thấp.

Ngoài ra, hơn 251 triệu cổ phiếu dùng để trả cổ tức 2017, 2018 với tỷ lệ 20.9% đã được phân phối cho hơn 33,000 cổ đông hiện hữu, nâng số cổ phiếu đang lưu hành của SHB lên gần 1.455 tỷ cổ phiếu. 

Đồng thời, SHB đang trong quá trình phát hành 300.8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1. Nếu thành công, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5,500 tỷ lên mức hơn 17,570 tỷ (tương đương mức tăng hơn 45%). 

Chính việc phát hành nhiều cổ phiếu khiến cổ phiếu SHB bị pha loãng dẫn đến EPS giảm. Trong khi đó, giá cổ phiếu SHB vừa trải qua quá trình tăng giá đột biến, bất thường, đi ngược xu hướng chung của thị trường dù kết quả kinh doanh không tăng trưởng tương ứng. 

Cụ thể, giá đóng cửa SHB ngày 29/4/2020 là 15,900 đồng/cổ phiếu, tăng tới 157% trong vòng 1 quý vừa qua.

Minh An