Nguyên nhân do Việt Nam không đáp ứng quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
Khi bị phạt thẻ này, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ, nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu và nguy cơ hàng bị trả về cao. Điều này dẫn đến hệ quả là thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu.
Không chỉ vậy, trong sáu tháng tới, nếu Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu mà EU đưa ra, nguy cơ bị phạt thẻ đỏ sẽ xảy ra, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Khi EU cấm, đối tác ở nhiều nước khác cũng sẽ hạn chế nhập hải sản từ nước ta. Thiệt hại sẽ khủng khiếp.
|
Ảnh minh họa. |
Câu hỏi đặt ra là tại sao thủy sản Việt Nam bị thẻ vàng? Trước hết là do sự quản lý lỏng lẻo và có phần thiếu trách nhiệm của các cơ quan hữu trách ở Việt Nam. Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết phái đoàn của thị trường này đã có hai chuyến làm việc với các nhà chức trách của Việt Nam về quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp từ năm 2012. Đáng tiếc là các cơ quan hữu trách Việt Nam chưa có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết tình trạng trên.
Bên cạnh sự thiếu vắng trách nhiệm của cơ quan quản lý còn do sự lúng túng, thiếu hiểu biết của các DN và ngư dân trong việc thực hiện quy định chống đánh bắt hợp pháp.
Sự việc EU phạt thẻ vàng đã xảy ra. Nay nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EU với các minh chứng cụ thể thì thẻ vàng có thể sẽ được dỡ bỏ và tới đây không bị thẻ đỏ. Để làm được điều này, Việt Nam cần triển khai ngay kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, trang bị thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá, không mua hải sản không rõ nguồn gốc…
Rõ ràng việc EU giơ thẻ vàng là nỗi buồn của ngành thủy hải sản Việt. Nhưng đây cũng chính là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam. Cơ hội để thay đổi từ khai thác đánh bắt đến ý thức bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, đến xuất khẩu có truy xuất nguồn gốc. Làm được như vậy uy tín hàng Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên, nguồn cung hải sản sẽ dồi dào hơn, DN xuất khẩu bền vững hơn.
Nếu đánh mất cơ hội, không chịu thay đổi, cơ quan chức trách vẫn quên trách nhiệm của mình thì Việt Nam nguy cơ đánh mất hàng tỉ USD từ xuất khẩu thủy hải sản mỗi năm. Không dừng lại ở đó, nó còn đánh mất uy tín của mình với nhiều thị trường trên thế giới.
Theo Quang Huy / Pháp luật TPHCM