Nồi cơm điện tách đường Nagakawa tốt cho người tiểu đường: "Trò lừa đảo... móc túi mọi người"?

Google News

(Kiến Thức) - PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định không có chuyện nồi cơm điện có tác dụng tách đường, còn BS Phan Quốc Sỹ (Bệnh viện Bạch Mai) lại khẳng định "Đây là một trò lừa đảo, lấy danh nghĩa khoa học để móc túi mọi người".

Như Kiến Thức đã phản ánh, người tiêu dùng đang xôn xao về thông tin sản phẩm nồi cơm điện tách đường Nagakawa của Tập đoàn Nagakawa. Nhà sản xuất tung ra quảng cáo sản phẩm như "rót mật vào tai" khách hàng với công dụng đặc biệt như: "Giải pháp giảm đường và tinh bột trong cơm, tốt cho người bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp và ăn kiêng".
"Bỏ ra 3-4 triệu đồng mua nồi cơm điện tách đường... làm suy dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường!"
Để làm rõ công năng, nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường Nagakawa nói riêng và các loại nồi cơm tách đường trên thị trường nói chung, có thực sự mang lại hiệu quả đối với người dùng như quảng cáo hay không, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Noi com dien tach duong Nagakawa tot cho nguoi tieu duong:
Sản phẩm nồi cơm điện tách đường Nagakawa có đang quảng cáo "lố"?. 
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Việc nhà sản xuất (Tập đoàn Nagakawa - PV) quảng cáo sản phẩm nồi cơm điện tách đường giúp giảm đường và tinh bột trong cơm là “nói thái quá”.
“Ý tưởng làm nồi cơm điện tách đường cũng rất hay nhưng tôi cho rằng không có chuyện nồi cơm điện tách được đường như quảng cáo”, - PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh hồ nghi.
Cụ thể, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, trong gạo có hàm lượng đường rất ít, khoảng từ 0-4% đường, và tinh bột là chính. Khi sử dụng chiếc nồi cơm điện trên để tách đường ra, thực chất chỉ là để gạn nước cơm đi.
Thực tế, việc gạn nước cơm đi là người ta đang bỏ đi một lượng dinh dưỡng rất đáng kể, nhất là các vitamin nhóm B, bởi khi nấu cơm, không phải chỉ có đường mà vitamin, chất béo có trong gạo đều sẽ được hòa tan với nước. Nhưng người ta lại gạn đi nước ấy là dinh dưỡng khác gì bị bỏ hết.
“Người ăn cơm từ gạo nấu kiểu này này sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Thậm chí nhiều khi gạo trắng quá người ta còn phải ăn gạo lứt, đằng này lại dùng nồi gạn nước chứa chất dinh dưỡng đi thì không đáng”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Noi com dien tach duong Nagakawa tot cho nguoi tieu duong:
 Fanpage quảng cáo cho rằng, ăn cơm "tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", và nồi cơm điện tách đường Nagakawa sẽ giúp mọi người ngăn ngừa bệnh này?. 
PGS Thịnh nhận định: “Nếu nồi cơm tách đường có công năng thật thì nó chỉ sử dụng với người bị bệnh tiểu đường ăn, còn những người thân của họ đâu mắc bệnh tiểu đường nên đâu cần phải ăn như vậy! Chẳng nhẽ mua nồi cơm đấy về để nấu riêng người bệnh tiểu đường?"
PGS Thịnh cho biết, muốn nấu cơm cho những người bị tiểu đường cũng rất đơn giản, không cần phải tốn tiền mua nồi cơm điện tách đường chưa rõ thực hư công năng thế nào. Thực tế, mọi người chỉ cần sử dụng những nồi cơm điện thông thường hoặc nấu bằng bếp than, bếp củi vẫn được. Khi nấu cơm nên cho nước vào nồi nhiều một chút, đến lúc cơm sôi lên thì lấy môi gạn một lượng nước cơm đó ra khỏi nồi, như vậy là có thể tách bớt được lượng đường trong gạo ra.
“Cớ chi phải bỏ ra 3-4 triệu đồng để mua một chiếc nồi cơm điện tách đường, rõ ràng là không xứng với số tiền bỏ ra, hiệu quả lại thấp, đồng thời lại làm suy dinh dưỡng cho người khác và người bị bệnh tiểu đường, vì người bị bệnh tiểu đường cũng cần có vitamin B1. Tác dụng như vậy là "lợi bất cập hại”” - PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Trao đổi với Kiến Thức về quảng cáo của Tập đòan Nagakawa nói rằng "ăn cơm "tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", và nồi cơm điện tách đường Nagakawa sẽ giúp mọi người ngăn ngừa bệnh này?", một chuyên gia dinh dưỡng giấu tên cũng cho biết, con người ăn cơm là để lấy năng lượng, sao lại nói là ăn cơm bị tiểu đường?
"Phải hiểu rằng, con người cần phải cân bằng các chất. Đương nhiên, lượng đường ở trong gạo có nhưng chỉ là một phần nhỏ ăn vào cơ thể nó chuyển hóa rất chậm. Tốt nhất, không nên sản xuất những loại nồi cơm tách đường làm gì", vị chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh.
"Đây là trò lừa đảo bịp bợm... để móc túi mọi người"
Thực tế, đã có rất ý kiến của chuyên gia về sản phẩm nồi cơm điện tách đường. Trước đó, thông tin trên báo Khoa học Đời Sống, bác sĩ Phan Quốc Sỹ (Bệnh viện Bạch Mai) đăng lên Facebook cá nhân về sản phẩm này.
Trong nội dung bài đăng, bác sĩ Phan Quốc sĩ cho biết: "Hiện tại trên FB đang lan truyền quảng cáo loại nồi cơm điện tách, giảm đường dành cho người bệnh tiểu đường, thừa cân. Đây là một trò lừa đảo bịp bợm, lấy danh nghĩa khoa học để móc túi mọi người".
Noi com dien tach duong Nagakawa tot cho nguoi tieu duong:
 Cảnh báo của BS Phan Quốc Sỹ.
Nhân danh BS Nội khoa - Tiểu đường, vị bác sĩ này cũng đưa ra lập luận, cơm chín hoặc bánh mỳ chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào đường tiêu hóa sẽ được các men tiêu hóa như amylase..., thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động.
Nếu tách và loại đường trong tinh bột thì không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Thật là hoang đường khi nói có thể loại hoặc tách gluxit trong cái được gọi là “nồi cơm điện tách đường”.
"Gạo càng trắng và càng được nấu chín thì đường càng được hấp thụ nhanh sau ăn, không tốt. Muốn cho đường máu đỡ tăng cao sau bữa ăn thì chỉ có cách ăn cơm với số lượng vừa phải và lẫn với rau xanh (nhiều xơ), vận động thể lực nhiều (làm việc chân tay, đi bộ, leo cầu thang bộ...)", bác sĩ Phan Quốc Sỹ nói thêm. 
Cũng liên quan đến vấn đề này, thông tin đăng trên Báo Lao động, TS chuyên ngành Sinh Hóa Nguyễn Trung Sơn (Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) lại tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin có loại nồi có thể tách được đường khỏi cơm. Ông nói: “Tinh bột (gạo) làm gì có đường, phải khi vào trong cơ thể tinh bột mới chuyển hóa thành đường và quá trình này cần phải có enzym”.
Vị chuyên gia này cũng phân tích tinh bột cấu thành từ hai thành phần Amyloza và Amylopectin. Về bản chất tinh bột chỉ chuyển hóa thành đường trong phương pháp thủy phân hoặc là dưới sự xúc tác của axit loãng (thường dùng HCL) hoặc sử dụng enzym (đây là phản ứng chính trong cơ thể con người). Với phương pháp thủy phân không có chất xúc tác mà chỉ sử dụng nước thông thường, việc thủy phân tinh bột để tạo ra đường là bất khả thi. Quá trình nấu cơm chỉ làm “trương lên” của tinh bột tạo thành hồ tinh bột kết dính với nhau, không thể sản sinh ra đường. Vậy thì đường ở đâu ra mà tách?
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Cường - nguyên bác sĩ Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết nồi cơm điện tách đường chỉ là chiêu trò quảng cáo và cảnh báo người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo kẻo lại "rước họa vào thân". Bác sĩ Cường bất cứ ai cũng cần ăn đủ chế độ dinh dưỡng đường, đạm, chất béo và vitamine. Những người bị tăng đường huyết cần giảm lượng đường cũng không cần nồi cơm điện tách đường mà cần giảm ½ khẩu phần tinh bột hàng ngày thay bằng rau, củ và trái cây còn tốt hơn.

Ngoài nhãn hàng Nagakawa, thị trường Việt Nam hiện còn có nhiều nồi cơm tách đường của các hãng được giới thiệu từ Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản như: Ninosun, Grayns, Magic Korea, Zojirushi…

Nồi cơm tách đường có giá thành khá cao. Các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Nồi cơm tách điện nhập khẩu Nhật Bản có giá từ 5 đến 15 triệu đồng.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin liên quan đến vụ việc!
Bảo Ngân