Nóng: 20 container hạt điều Việt Nam sắp cập cảng Italia, thông tin mới nhất do Thương vụ cung cấp

Google News

Hơn 20 cont hạt điều (bị mất kiểm soát) còn lại của Việt Nam xuất khẩu sang Italia sắp về đến cảng La Spezia và cảng Genoa của Italia.

Cảnh sát nước này đã cam kết sẽ tiếp tục phong tỏa giúp doanh nghiệp Việt Nam để làm rõ vụ việc.
20 cont hạt điều của Việt Nam sắp cập cảng tại Italia, cảnh sát cam kết tiếp tục phong tỏa

Trao đổi với PV Dân Việt trưa nay (23/3), Nguyễn Đức Thanh-Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết, liên quan đến vụ nghi lừa đảo xuất khẩu hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam sang Italia, 20 cont (container) hạt điều (bị mất kiểm soát) còn lại của Việt Nam xuất khẩu sang Italia sắp về đến cảng La Spezia và cảng Genoa của Italia. Cảnh sát nước này đã cam kết sẽ tiếp tục phong tỏa giúp doanh nghiệp Việt Nam để làm rõ vụ việc.

Nong: 20 container hat dieu Viet Nam sap cap cang Italia, thong tin moi nhat do Thuong vu cung cap

Hơn 20 cont hạt điều (bị mất kiểm soát) còn lại của Việt Nam xuất khẩu sang Italia sắp về đến cảng La Spezia và cảng Genoa của Italia. Ảnh: CTV

Theo thông tin ông Thanh cung cấp với PV Dân Việt, tính đến ngày 22/3/2022, trong số 36 cont bị mất chứng từ kiểm soát thì Cảnh sát Kinh tài (Guardia di Finanza) của Italia đã tạm giữ 14 cont (số liệu có chút thay đổi do số tầu đến chậm hơn so với dự kiến, con số trước đó mà Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết là 16 cont), còn lại hơn 20 cont sẽ đến cảng La Spezia và cảng Genoa của Italia (cách cảng La Spezia 100km).

Sáng sớm ngày 22/3/2022, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã đến cảng La Spezia (cách thủ đô Roma 500km về phía Bắc) để làm việc với Cảnh sát Kinh tài và các hãng tàu có đại diện chi nhánh tại La Spezia, Ban quản lý Cảng, Chính quyền cảng.

Trong buổi làm việc với Cảnh sát Kinh tài (Guardia di Finanza) La Spezia, hai bên đã trao đổi rõ hơn những thông tin về sự vụ. Phía cảnh sát Italia cam kết sẽ phong tỏa các cont hạt điều của Việt Nam về cảng liên quan đến vụ việc này trong thời gian tới và phối hợp với phía Việt Nam nếu có thông tin về các đối tượng nghi lừa đảo.

Trong buổi làm việc với chính quyền cảng La Spezia, ông Luigi Bosi, Tổng thư ký Chính quyền Cảng La Spezia cho biết, sẽ có 6 cont hạt điều của Việt Nam cập cảng vào thứ bảy tuần này, trên con tàu Anderson của hãng Cosco và lô hàng tiếp theo gồm 2 container hạt điều sẽ cập cảng vào thứ 2 hoặc thứ 3 tuần sau trên con tàu Cosco Taxas Triumph.

Chính quyền cảng cam kết sẽ hợp tác với cảnh sát tạm giữ những cont hàng này không giao cho ai và sẽ phối hợp gửi thông tin cont nào về, trên những con tàu nào chuẩn bị cập cảng có liên quan đến sự vụ.

Bên cạnh đó, phía Chính quyền Cảng sẽ hỏi ban phụ trách về phí cảng để xem xét có thể hỗ trợ các cont này thuộc diện bao nhiêu ngày cập cảng được miễn phí, và sau đó phí lưu kho bãi sẽ là bao nhiêu.

Cũng trong buổi làm việc với Chính quyền Cảng, hai bên giới thiệu các tiềm năng hợp tác cảng biển. Cảng Genoa là điểm trung chuyển hàng hóa chiếm khoảng 30% của toàn nước Italia, cảng La Spezia và cảng ở Carrara (cách khoảng 50km) chiếm 20% trung chuyển hàng hóa.

Như vậy, tổng cộng hai cảng này chiếm tới 50% số lượng container của Italia xuất nhập khẩu với thế giới. Từ cảng La Spezia có khoảng 500.000 container Italia xuất khẩu sang Việt Nam, với các mặt hàng đa dạng từ máy móc, thiết bị, nông sản. Qua đó có thể thấy, số lượng lớn hàng xuất khẩu của Italia sang Việt Nam là xuất phát từ cảng này.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Italia, hiện có khoảng 8 cont của Việt Nam (những cont mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn giữ được chứng từ gốc của Hãng Cosco) đang làm thủ tục đổi cảng sang Rotterdam để bán cho người mua ở Hà Lan.

"Hiện có 01 cont, khác do hãng tàu CGM chưa cho phép đổi người nhận trên vận đơn, chúng tôi đang đôn đốc việc này với Hãng ở Italy và Việt Nam"-ông Thanh nói.

Trong những ngày tới, Thương vụ Việt Nam tại Italia sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu và các vấn đề liên quan đến tòa án để đòi lại quyền sở hữu cho các công ty Việt Nam, song song với đó Thương vụ sẽ tìm kiếm nhiều phương án nhằm giảm chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp: ví dự như tìm các Việt kiều tại Italia có kho xưởng có thể lưu cont với chi phí rẻ, tìm kiếm các nhà phân phối uy tín tại Italia và các nước ở châu Âu để ngay sau khi doanh nghiệp Việt Nam nắm quyền kiểm soát cont sẽ có thể tiến hành thủ tục bán lại cho người mua mới, tránh chi phí lưu kho tăng dần và thời gian khiến chất lượng hạt điều bị giảm và hỏng dần.

Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đã trao đổi với Liên hội doanh nghiệp Việt kiều châu Âu để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ mua một lượng hàng hạt điều nào đó về ít nhất là bán cho cộng đồng người châu Á tại các Trung tâm Thương mại của người Việt... và các chuỗi siêu thị mà doanh nghiệp đó đang cung cấp hàng thực phẩm.

"Ưu tiên nhất lúc này về phía Việt Nam là các cơ quan như Tòa Kinh tế TP.HCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam được hầu hết các hợp đồng hạt điều nêu ra là nơi xử lý tranh chấp nên có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu hãng tàu tại Việt Nam ra lệnh cho chi nhánh của mình ở Italia dừng không giao hàng cho người nhận hàng dù có Bộ chứng từ gốc do họ chiếm đoạt bất hợp pháp OBL khi chưa trả tiền cho người bán và giành lại quyền sở hữu cho người bán"-ông Thanh nhấn mạnh.

Chứng cứ đầu tiên và rõ ràng nhất về việc lừa đảo, bài học lớn cho doanh nghiệp

Nong: 20 container hat dieu Viet Nam sap cap cang Italia, thong tin moi nhat do Thuong vu cung cap-Hinh-2

Toàn bộ 36 bộ chứng từ được chuyển phát bởi DHL và "bỗng dưng" biến mất. Ảnh: CTV

Được biết, 20 cont mất kiểm soát bộ chứng từ có tổng trị giá khoảng 86 tỷ đồng. "Sau một thời gian ngắn, chúng ta đã giảm nguy cơ thiệt hại từ gần 100 cont với trị giá hàng nghìn tỷ đồng xuống nguy cơ còn 86 tỷ đồng", ông Thanh cho biết.

Theo thông tin được biết là hiện nay có người tự nhận là bên mua đã thuê luật sư và liên hệ với tòa án Italy để đòi trả hàng vì họ có chứng từ gốc. Trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc, việc doanh nghiệp xuất khẩu điều chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng là không hề đơn giản.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy cho biết bên mua đã thuê luật sư và đã liên hệ với luật sư của bên bán (các doanh nghiệp Việt Nam), hãng tàu, toà án để đòi giao hàng khi họ có bộ chứng từ gốc. Hiện nay có ít nhất 1 bộ chứng từ gốc đã được COSCO (hãng giao nhận vận tải) xác định là bộ chứng từ gốc thật. Điều này chứng cứ đầu tiên cho thấy nhóm người lừa đảo ở bên Italy đã bằng cách nào đó bất hợp pháp để có được bộ chứng từ gốc mà chưa trả tiền cho các doanh nghiệp Việt Nam"

"Đây là chứng cứ đầu tiên và rõ ràng nhất về việc lừa đảo và chúng ta có thể dùng làm bằng chứng để tiến hành nhanh các hoạt động điều tra và xét xử tại phía Việt Nam cũng như Italy", ông Thanh nhấn mạnh.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy nhấn mạnh một vụ lừa đảo với quy mô giá trị rất lớn, nhiều doanh nghiệp bị lừa gần như cùng một lúc với những thủ đoạn giống nhau những cũng khá tinh vi song đôi khi cũng rất thô sơ là bài học lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cán bộ chuyên môn xuất nhập khẩu, thậm chí không có ai giỏi về ngoại ngữ cần liên hệ với thương vụ tại các nước để được hỗ trợ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cùng nhau thuê một cán bộ xuất nhập khẩu để được tư vấn trong khi giao dịch để tránh được rủi ro", ông Thanh khuyến nghị.

Trước đó, như đã phản ánh, lô hàng điều xuất khẩu của Việt Nam sang Italia đã bị mất hoàn toàn quyền kiểm soát khi toàn bộ chứng từ gốc biến mất. Cụ thể, 5 doanh nghiệp mất quyền kiểm soát với 36 cont hàng tương đương với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm. Giá trị số hàng bị mất là hơn 7 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng. Việc ngân hàng và doanh nghiệp mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục cont hàng có thể mất trắng nếu không có sự can thiệp, vào cuộc của nhà chức trách.

Theo tìm hiểu, trong phi vụ nghi siêu lừa đảo này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đã thực hiện phương thức thanh toán, giao dịch quốc tế D/P (Documents against Payment) tức là “nhờ thu” với 5 ngân hàng Việt Nam khác nhau. Trong đó, có 2 ngân hàng gốc quốc doanh thuộc nhóm Big 4; 2 ngân hàng TMCP thuộc top đầu và 1 ngân hàng TMCP đang trong quá trình tái cơ cấu. Tất cả các ngân hàng này đều sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng từ của hãng chuyển phát danh tiếng toàn cầu DHL.

HIệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cũng đã có văn bản khẩn thiết và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp có liên quan.

Theo Nguyễn Phương/Dân Việt