Những năm đầu đến lập nghiệp ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), gia đình ông Nguyễn Văn Tiến trồng 4 ha nhãn tiêu da bò.
Giống nhãn này có đặc điểm cơm dày, hạt nhỏ như hạt tiêu, vỏ màu vàng như da bò, vị ngọt thanh được nhiều người ưa chuộng, theo báo Bình Phước.
Ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long là vùng đất trồng nhãn có tiếng của tỉnh Bình Phước. Giai đoạn 2017-2019, diện tích trồng nhãn của ấp Thanh An là 450 ha.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ trái nhãn do giá cả lên xuống không ổn định.
Nhiều hộ dân chuyển đổi sang cây trồng khác, diện tích nhãn còn lại trên địa bàn xã hiện khoảng 70 ha. Tuy vậy, nhãn vẫn là cây trồng cho năng suất cao, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân. Những năm đầu đến lập nghiệp ở ấp Thanh An, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến trồng 4 ha nhãn tiêu da bò. Giống nhãn này có đặc điểm cơm dày, hạt nhỏ như hạt tiêu, vỏ màu vàng như da bò, vị ngọt thanh được nhiều người ưa chuộng.
Do cây nhãn trồng 3 năm mới cho thu hoạch đợt trái đầu tiên nên khi cây còn nhỏ, ông Tiến trồng xen một số cây ngắn ngày như bắp, đậu để lấy ngắn nuôi dài.
Đến nay, vườn nhãn của ông Tiến đã trồng 25 năm, gốc to cổ thụ, cây cao khoảng 8-9m. Khi mới trồng, cây còn nhỏ nên mật độ trồng 400 cây/ha. Những năm về sau, ông cưa bớt để cây xòe tán rộng, với mật độ 100 cây/ha.
Ông Tiến cho biết, cây nhãn tiêu da bò cho năng suất cao hơn so với một số cây trồng khác, bình quân mỗi hécta cho thu hoạch từ 10-15 tấn. Tuy vậy, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc thì cây mới đạt năng suất cao.
Vào tháng 5, vườn nhãn của ông Tiến nở rộ hoa. Để vườn nhãn ra hoa đều, ông Tiến chăm sóc vườn ngay sau khi thu hoạch. Sau thu hoạch nhãn khoảng 1 tháng, ông thường cắt tỉa cành già, cành sát mặt đất cho khu vườn thông thoáng.
Cây nhãn thường suy yếu sau một mùa mang trái. Trong giai đoạn này, cây cần được bón phân phục hồi, mỗi gốc bón từ 3-5kg lân để tạo bộ rễ mới, kết hợp tưới nước giữ ẩm. Vào tháng 2 hằng năm, ông phát cỏ cho khu vườn và để hoai mục tại chỗ làm phân hữu cơ.
Ông Tiến cho biết: "Trong vườn không nên phát cỏ quá sạch mà giữ một lớp thảm cỏ thực vật, lá khô quanh gốc. Mục đích giữ độ ẩm trong đất, giúp cây phát triển xanh tốt. Hạn chế dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trên vườn. Vì nếu làm cỏ sạch, côn trùng sẽ bay lên cây gây hại, còn xịt thuốc trừ sâu nhiều thì cây sẽ suy yếu".
Mỗi năm, ông Tiến thường phát cỏ 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Còn thuốc trừ sâu chỉ phun khi trái nhãn vào cơm, phòng ngừa sâu đục trái.
Sau khi phát cỏ, ông Tiến xử lý kích thích cho cây nhãn bung đọt non. Thời điểm mùa khô nên tưới lần đầu cho vườn ướt đẫm. Những lần tưới tiếp theo cách nhau 3 ngày, lượng nước vừa đủ độ ẩm, kết hợp bón phân NPK cho cây hấp thụ dinh dưỡng.
Ông Tiến chia sẻ: "Khi xử lý cho cây bung đọt non thì bón phân hỗn hợp, với hàm lượng đạm cao. Còn xử lý cho cây ra hoa thì bón chủ yếu kali, hàm lượng chiếm 90% để kích thích bật mầm hoa.
Khoảng 15 ngày sau khi bón phân kích thích ra hoa, cây nhãn được khoanh vỏ, siết nước, kích thích trổ hoa. Lưu ý chỉ nên khoanh khoảng từ 2/3 đến 3/4 số cành, phần còn lại để nuôi rễ".
Tham quan vườn nhãn cổ thụ của ông Tiến, người có kinh nghiệm chỉ cần đếm số vết khoanh trên vỏ sẽ biết được độ tuổi của cây. Khi lá non chuyển sang xanh nhạt, tiếp tục bón phân hỗn hợp, tưới nước giữ ẩm cho đến khi cây ra hoa đều.
Hiện vườn nhãn của ông Tiến đã ra hoa 90%. Dự kiến vụ mùa năm nay, vườn sẽ cho thu hoạch khoảng 40-45 tấn trái. Do có đủ nước tưới nên ông thường xử lý cây nhãn ra hoa đậu trái vào mùa nghịch. Vụ nhãn năm nay ông Tiến dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 7, thời điểm này có ít loại cây ăn trái vào vụ nên giá bán thường cao hơn nhãn chính vụ.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, vườn nhãn của ông Tiến luôn xanh tốt, ít sâu bệnh. Những năm trước, vườn cho thu hoạch từ 45-60 tấn/4 ha.
Vụ mùa năm 2023, ông Tiến thu 45 tấn nhãn, giá bán bình quân 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng. Nhiều năm nay, gia đình ông phát triển kinh tế chủ yếu nhờ vào cây nhãn. Trước đại dịch Covid-19, giá nhãn từ 20-22 ngàn đồng/kg. Nhờ có thu nhập từ cây nhãn mà ông Tiến xây được nhà lớn kiên cố, mua xe ôtô, kinh tế ổn định.
Đặc điểm giống nhãn tiêu da bò thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, nhóm đất có thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ đến thịt trung bình, dễ chăm sóc và xử lý ra hoa nên đạt năng suất trung bình từ 10-15 tấn/ha. Tuy nhiên, nhãn tiêu da bò có nhược điểm bị nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh chết cây, bệnh teo móp thân và bọ xít nhãn, rầy nhảy, nhện, sâu đục trái, ...
Để nhãn đạt được năng suất, chất lượng nhiều nhà vườn áp dụng biện pháp xử lý ra hoa trên nhãn theo ý muốn, mang lại hiệu quả kinh tế cho nghề sản xuất nhãn trên địa bàn.
Cũng thành công nhờ trồng nhãn, bà Nguyễn Thị Duyên ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đã cùng gia đình trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách để tìm hướng mở rộng, làm giàu.
Từ một vùng đồi đất hoang, chỉ có cây cỏ dại mọc tưởng chừng như vô giá trị, với quyết tâm áp dụng công nghệ, đưa giống mới vào trồng trọt, giờ đây vườn cây ăn quả có diện tích lớn nhất vùng biên giới Phiêng Khoài hơn 10 ha của bà Duyên đã được phủ xanh bằng những gốc nhãn Miền Thiết trĩu quả, cho thu lãi 1,6 tỷ đồng mỗi năm khiến ai cũng cảm thấy thán phục.
Bà Nguyễn Thị Duyên, kể lại: “Năm 1993, sau khi lập gia đình, chúng tôi từ quê nhà Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên vùng đất Lóng Phiêng khai hoang lập nghiệp. Những ngày đầu đã bắt đầu trồng nhãn, song chỉ là những giống nhãn cũ, nên hiệu quả kinh tế không cao...”.
Đến năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bà Nguyễn Thị Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn cũ do hiệu quả thấp. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày. Chỉ sau ba năm, gia đình bà đã có thể thu hoạch và thu lời trong nhiều năm tiếp theo. Trung bình, mỗi vụ gia đình bà Duyên thu từ 100-120 tấn nhãn, trừ tất cả chi phí, thu lãi mỗi năm 1,6 tỷ đồng.
Theo kinh nghiệm của bà Duyên, để bảo đảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, cần phải tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng.
Trao đổi với ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, được biết: Yên Châu là huyện có diện tích nhãn đứng thứ ba toàn tỉnh với hơn 2.100 ha nhãn, sản lượng đạt hơn 15.000 tấn, điển hình như các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông có diện tích trồng nhiều nhãn và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân tại các bản trong xã Lóng Phiêng không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm từ 3-5%, xuất hiện nhiều triệu phú là nông dân trồng cây ăn quả, theo Nhân dân.
Giá trị dinh dưỡng của quả nhãn:
Trong 100g thịt quả nhãn có đến 170mg đồng. Dưỡng chất này cấu tạo nên lớp vỏ bọc khỏe mạnh bên ngoài cho các dây thần kinh. Chúng giúp não tăng cường chức năng hoạt động cũng như làm dây thần kinh cảm thấy thư giãn.
Quả nhãn cũng chứa nhiều khoáng chất, vitamin A, C, kali, photpho, magie và sắt, có tác dụng điều trị bệnh đau dạ dày, chứng mất trí nhớ, chống căng thẳng, mệt mỏi, giúp cầm máu rất hiệu quả. Nhãn rất giàu vitamin C giúp đẹp da, tăng sức đề kháng chống lại các căn bệnh như cảm cúm, cảm lạnh.
Theo Khánh Linh/Người đưa tin