Ở xã nông thôn mới Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), ông Lâm Thành Thương là người tiên phong trồng cây có múi. Ông Thương kể trước đây, các hộ dân trên địa bàn xã đều trồng cây theo phương pháp truyền thống, đào hố bón lót và đặt cây trồng ngang mặt đất.
Khi khởi nghiệp, ông đã tiên phong trong việc đưa kỹ thuật móc rãnh, vun bồn trồng cây để xử lý ra trái theo ý muốn, và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn. Ông Thương cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả trái vụ, bằng cách phủ bạt nhựa lên các liếp cam.
Ông Lâm Thành Thương bên vườn quýt hồng của gia đình. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cách làm này là một trong những bí quyết nhằm tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây. Nhiều nông dân thấy vậy cũng học theo, và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thu hoạch quanh năm, chủ động nguồn cung cho thị trường.
Trên diện tích 150ha trồng theo chuẩn VietGAP, trang trại cho năng suất trung bình hơn 50 tấn/ha. Mỗi năm, ông xuất bán gần 5.000 tấn trái cây có múi các loại, thu lời hơn 20 tỷ đồng. Trang trại cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Vài năm gần đây, ông Thương đưa hơn 10ha quýt hồng của vào phục vụ du lịch, nhằm tạo sự mới lạ thu hút du khách đến vùng đất chuyên canh cây có múi
Ông cũng liên kết với các nhà vườn để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch. "Khi phát triển mạnh, mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ giải quyết thêm việc làm, tạo ra thương hiệu cho vùng đất, cây trái ở Hiếu Liêm, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn", ông Thương nói.
Theo ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, từ khi xã Hiếu Liêm tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống hạ tầng, đường sá được đầu tư, nâng cấp.
Xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái rộng lớn gần 2.000ha. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên nông dân ngày càng thuận lợi hơn. Đến nay, huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái rộng lớn gần 2.000ha, và có thương hiệu trong khắp cả nước.
Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; liên kết sản xuất và tiêu thụ; và lấy những nông dân như ông Lâm Thành Thương làm hạt nhân để lan tỏa.
Bình Dương có 3 trên 39 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Tính đến tháng 2/2024, xã Hiếu Liêm đã đạt 3/3 tiêu chí, và 8/8 chỉ tiêu nông thôn kiểu mẫu; đạt 100%. Bên cạnh đó, mức độ hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của người dân 2 xã đạt rất cao.
Từ đề nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện Bắc Tân Uyên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1924 công nhận công nhận xã Hiếu Liêm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất.
Gian hàng trưng bày nét văn hóa ẩm thực của xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) tại Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đồng thời, UBND tỉnh cũng công nhận xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận xã Phú An ( TP.Bến Cát) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa năm 2023.
Ông Nguyễn Phong Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định số 1910 về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Theo đó, tỉnh công nhận 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 gồm: Xã Tân Hưng, xã Hưng Hòa, xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng); xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên); xã An Bình, xã Tam Lập, xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo); xã An Lập, xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng).
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của Bình Dương. Một tuyến đường giao thông nông thôn ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ
Như vậy, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 39/39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 38/39 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3/39 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.
"Thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới của Bình Dương đến cuối năm 2023 đạt 80 triệu đồng/người/năm", ông Nguyễn Phong Huy cho biết.
Theo Nguyên Vỹ/Dân Việt