"Đến chết vẫn hà tiện" là tên một mẩu truyện tiếu lâm trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam. Truyện nói về một người đàn ông bo bo giữ của suốt cả đời, ngay đến lúc chết cũng không muốn các con làm cho mình một đám ma cho tử tế.
Chuyện cười thì dĩ nhiên luôn được lồng yếu tố phóng đại, nhưng không phải vì thế mà xa rời thực tế. Như nữ triệu phú Mỹ khét tiếng thế kỷ 19, 20 dưới đây – người được mệnh danh là "Phù thủy Phố Wall" cũng không khác mấy so với người đàn ông trong câu chuyện kia. Dù là một trong những phụ nữ giàu có nhất nước Mỹ vào giai đoạn thế kỷ 19 - đầu 20, nhưng Hetty vẫn nổi danh với lối sống "giàu mà ki", tằn tiện, kham khổ cho đến lúc chết.
Giàu có ngang "vua dầu lửa" Rockefeller, nhưng Hetty Green chỉ mặc đúng một bộ váy suốt nhiều năm, ăn món rẻ tiền và ở thuê trong những căn hộ xoàng xĩnh.
Là tỉ phú giàu nhất nước Mỹ thời điểm đó, nhưng hai đứa con của bà phải sống "nghèo khổ" cùng mẹ. Sylvia không phải là một cô gái xinh đẹp, cô bé chỉ được mặc quần áo cũ và có rất ít bạn. Cô ngủ cạnh mẹ trên chiếc giường nhỏ chật chội.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hetty còn tằn tiện với cả sức khỏe của con trai và của bản thân. Khi Ned, con trai bà bị gãy chân, Hetty đã đưa con đến bệnh viện miễn phí dành cho người nghèo để chữa trị. Dù bác sĩ đã hết lòng nhưng tình hình của Ned ngày càng xấu sau nhiều năm điều trị trong điều kiện y tế nghèo nàn, cuối cùng Ned buộc phải cắt bỏ một chân của mình.
Bà Hetty Green và con gái Sylvia.
Lấy một người vợ giàu có nhưng ông Edward không được hưởng một điều kiện gì sung túc hơn trước. Hetty tìm mọi cách duy trì độc lập tài chính giữa hai vợ chồng và căng thẳng đã khiến Edward phải chuyển ra khỏi nhà. Ông nhanh chóng làm ăn sa sút. Trong khi đó Hetty từ chối mọi sự giúp đỡ và chỉ chu cấp cho chồng trong những tháng ông hấp hối cuối đời. Sau cái chết của ông Edward, Hetty chỉ mặc duy nhất một chiếc váy đen của phụ nữ góa trong suốt những năm còn lại, khiến sự xuất hiện của bà ở Phố Wall trông thật đáng sợ và bà bị gán cho biệt danh "phù thủy Phố Wall" kể từ đó.
Trên phố Wall nhộn nhịp và huyên náo của nước Mỹ đầu thế kỷ 20. Người ta nhìn thấy một người đàn bà già nua, chầm chậm di chuyển trong chiếc váy đen bạc màu, bẩn thỉu, sờn rách giữa đám đàn ông mang dáng dấp nhà đầu tư với vẻ ngoài lịch lãm. Đó chính là Hetty.
Người phụ nữ trông có vẻ nghèo khổ, luôn cau có thường trực trên khuôn mặt chính là Hetty Green, hay còn được biết đến với biệt danh là "phù thủy phố Wall".
Nhiều tin đồn cho rằng, dù sở hữu khối tài sản đồ sộ, Hetty sống cực kỳ tiết kiệm. Hetty luôn mặc đi mặc lại một bộ quần áo và không bao giờ mua đồ lót mới. Bà từng chia sẻ với đồng nghiệp rằng chỉ giặt đường viền của váy khi chúng bị bẩn để tiết kiệm xà phòng.
Mỗi ngày đi làm, bà mang theo một chiếc cặp lồng, trong đó chỉ có bánh quy và bột yến mạch. Mỗi chiếc bánh có giá 15 xu.
Thậm chí, "phù thủy phố Wall" còn được cho là chẳng mấy khi chịu rửa tay do sợ tốn xà bông. Nước nóng là một thứ xa xỉ mà Hetty hầu như không sử dụng. Bà còn hay đi xin xương để giảm bớt chi phí thức ăn cho chó cưng.
Có lần, Hetty làm rơi 2 xu trên xe ngựa, sau đó bà đã dành nhiều giờ để tìm nó. Bà dùng lại những phong bì thư cũ và chây ì trả tiền thù lao cho các luật sư, bác sĩ.
Hetty chia sẻ: "Không có bí mật gì lớn trong làm giàu cả… Tất cả những gì bạn làm là mua rẻ và bán đắt, hành động với sự tằn tiện, sắc sảo và kiên trì".
Mặc dù nổi tiếng với lối sống tằn tiện đến khó tin như vậy nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng kiếm tiền của Hetty.
Sau khi ông bố qua đời vào năm 1865, Hetty Green thừa kế số tài sản lên đến 5 triệu USD, tương đương với 15 triệu USD bây giờ (gần 348 tỷ đồng).
Ngay khi nhận số tiền thừa kế khổng lồ, bà đã thực hiện một thương vụ lớn. Bà dùng tất cả tiền mua hết trái phiếu chính phủ, dù nhiều người khi đó cho rằng việc làm đó là "điên rồ" trong thời điểm nội chiến vừa kết thúc. Bà mua được trái phiếu giá rất rẻ từ các thương nhân. Cuối cùng, không nằm ngoài mong đợi, bà thu lại lợi nhuận khổng lồ.
Bà Hetty chia sẻ: "Tôi mua vào khi giá rẻ và khi mọi người chẳng quan tâm đến những mặt hàng đó. Tôi giữ chúng đến khi giá đi lên và mọi người điên cuồng mua vào. Đó chính là bí quyết cho thành công của tôi".
Với phương châm "mua rẻ, bán đắt", chọn đúng thời điểm, Hetty đã nhanh chóng thành công trên cả thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh và trái phiếu.
Có những năm, lợi nhuận đầu tư của Hetty lên tới 1,25 triệu USD. Có những ngày, Hetty kiếm được tới 200.000 USD nhờ những quyết định đầu cơ thông minh.
Ngoài những thương vụ đầu cơ, Hetty cũng cho vay lấy lãi và đến năm 1905, bà đã trở thành chủ nợ lớn nhất ở New York.
Trong một buổi phỏng vấn, Hetty Green tự tin trả lời rằng: "Khi đám đàn ông còn đang vật lộn kiếm sống ngoài xã hội thì tôi đã bắt đầu biết đầu tư và làm giàu từ năm 15 tuổi".
Cả gia đình và nhà trường đều dạy Hetty một điều: "Bạn không cần nhiều để sống, và mục tiêu của kiếm tiền là để tiết kiệm, chứ không phải tiêu đi.". Điều này đã tạo nên tính cách của Hetty.
Tuy nhiên, việc yêu tiền một cách mù quáng cũng khiến bà phải trả giá. Sau 20 năm chịu đựng chứng thoát vị, cuối cùng bà mới để bác sĩ Henry Pascal khám cho mình vào năm 1915. Khi bệnh nhân tụt váy để lộ đồ lót "cũ và bẩn", ông Pascal mới nhận ra bà thực sự bị thoát vị quá nặng. Bác sĩ Pascal thông báo với bệnh nhân rằng chứng thoát vị nghiêm trọng của bà cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi được thông báo chi phí là 150 đô la, bà quắc mắt lên quát bác sĩ: "Ông cũng vậy thôi! Một lũ kẻ cướp!", rồi bỏ ra khỏi phòng khám.
Năm 1916, bà Hetty qua đời vì ốm yếu, để lại khối tài sản ước tính khoảng 200 triệu USD cho hai con, sau khi đã đóng góp một khoản cho từ thiện. Cậu con trai Ned trở thành nhà sưu tập những thứ đắt đỏ, kết hôn với mối tình đầu, một cô gái làng chơi, người bà Hetty từng nhất quyết phản đối. Họ sống xa hoa và tiêu xài hoang phí tiền bạc. Còn Sylvia lập gia đình và tận hưởng cuộc sống nổi loạn, tự do, không có con cái.
Theo các chuyên gia tài chính, mặc dù tiền bạc là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm là điều cần thiết để cân đối tài chính, tuy nhiên đừng khiến bản thân trở nên tằn tiện một cách thiếu sáng suốt.
Dưới đây là 5 cách tiết kiệm thông thái để giúp bạn sáng suốt trong chi tiêu và biết cách cân đối để vừa tiết kiệm, vừa có thể tận hưởng được thành quả lao động chăm chỉ của bản thân:
1. Thiết lập chi tiêu cho các vật dụng thiết yếu
Hãy thiết lập chi tiêu và dành dụm chi phí có những đồ dùng thiết yếu hay những thứ bạn thật sự cần mua ngay cả khi chúng có giá hơi đắt đỏ. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều khi mua được những món đồ bạn biết mình thật sự có thể chi trả.
2. So sánh giá
Muốn tiết kiệm tiền, trước tiên hãy đi khảo sát xem đâu là nơi có giá thích hợp nhất đối với bạn trước khi mở ví. Nếu món đồ đó chưa thật sự cần thiết, hãy đợi đến những đợt giảm giá. Ngoài ra bạn cũng không nên bỏ qua yếu tố chất lượng của món đồ. Chúng ta nên dặn lòng rằng không nên mua đồ rẻ mà hãy mua đồ có giá phải chăng và chất lượng tốt.
3. Tiêu xài đúng lúc
Cân nhắc trước khi mua và lựa chọn thời điểm mua phù hợp cũng là một việc thói quen tiêu dùng thông thái. Thật không vui vẻ gì khi lâm vào cảnh khánh kiệt và không còn tiền để chi trả các hóa đơn sau một kỳ nghỉ tiêu xài hoang phí. Bạn cần phải ưu tiên cho các khoản chi tiêu quan trọng hơn để tránh trở nên khánh kiệt.
4. Theo dõi quá trình chi tiêu
Hãy luôn theo dõi quá trình chi tiêu của bản thân. Những người biết tiền của mình được sử dụng cho mục đích gì thường sáng suốt hơn những người chỉ biết tiền của mình từ đâu ra.
Khi biết tiền của mình đã đi đâu, bạn có thể truy xem mình đang tiêu tốn bao nhiêu tiền vào những thứ gì, quan trọng hay không quan trọng. Bạn cần phải đánh giá và suy xét thói quen mua sắm của mình, ngoài ra cũng nên suy nghĩ thoáng hơn về việc thay đổi ngân sách nhằm tối đa hóa quả chi tiêu của mình.
5. Hãy nhớ rằng, kỷ niệm và ký ức là vô giá
Đôi khi những người tiết kiệm thường trở nên khó khăn trong việc chi trả tiền đồ ăn, phòng khách sạn... khi họ có thói quen tính toán trong chi tiêu. Ví dụ nếu phải chi tiêu vì mục đích sum vầy với gia đình, đừng lo nghĩ quá nhiều về việc tiêu tiền. Hãy tận hưởng khoảnh khắc cùng người thân và kết nối mọi người lại với nhau.
Bạn nên tự nhủ rằng trải nghiệm và ký ức về những người mình yêu thương có giá trị hơn rất nhiều. Nếu cảm thấy điều đó quá đắt đỏ, hãy tìm một giải pháp phù hợp hơn để thay thế. Nhưng tốt hơn là bạn nãy dành dụm một khoản tiền dành cho những sự kiện bất ngờ của gia đình.
Số tiền bạn có không đồng nghĩa với việc bạn đang sống hạnh phúc hay đau khổ. Việc học cách chi tiêu hợp lý và hưởng thụ trong khả năng của mình sẽ cho bạn sự tự do về tài chính. Hãy sống một cuộc sống thanh đạm mà không quá hẹp hòi bằng cách tạo những thói quen đúng đắn trong chi tiêu.
Theo Như Ca/Gia đình & Xã hội