Thông tin bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” đang gây xôn xao dư luận.
Tìm hiểu của PV, “nữ tướng" Vimedimex Nguyễn Thị Loan là người đã và đang nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng, trải dài từ các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, y dược đến bất động sản.
|
"Nữ tướng" Vimedimex Nguyễn Thị Loan vừa bị Công an Hà Nội bắt. |
Những năm gần đây, hệ sinh thái Vimedimex Group của bà Nguyễn Thị Loan còn được biết đến là một tay chơi mới trong thị trường bất động sản Hà Nội với thương hiệu Vimefulland ra đời hồi cuối năm 2016.
Vimefulland ra mắt thị trường với sản phẩm “trình làng” là dự án Belleville tại ô đất có ký hiệu B4 Nam Trung Yên (Hà Nội).
Khu đất thực hiện dự án ban đầu được chấp thuận với mục đích khai thác quỹ đất có diện tích 15.747m2 tại ô đất này để tạo nguồn thu hỗ trợ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, sau đó đã được điều chỉnh thành chức năng công trình hỗn hợp bao gồm: văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở chung cư, và sau đó thành khu nhà phố thương mại thấp tầng với lợi nhuận cao hơn.
Thời điểm năm 2017, tại dự án này nhân viên bán hàng giới thiệu các shophouse có giá trên hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng/căn 120m2. Một mức giá khá hời với vị trí đắc địa.
Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, đó chỉ là giá trên hợp đồng, người mua sẽ phải trả 18 tỷ đồng tiền chênh. Số tiền này không ghi trong hợp đồng, đồng nghĩa tiền chênh cao gấp 1,5 lần so với giá trên hợp đồng. Tổng giá trị thực tế của một căn shophouse là 30 tỷ đồng/căn.
Sau Belleville, Vimefulland nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư với việc ra mắt loạt dự án khác tại đất vàng Hà Nội khác như: Dự án Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 1,9ha; dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì với diện tích 8ha hay dự án Iris Garden tại quận Nam Từ Liêm.
Hiện tại, Vimedimex Group đang triển khai hai dự án là Helianthus Center Red River với diện tích 4,9 ha tại Đông Anh và The Jade Orchid diện tích 6,1 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
|
Khu đất dự án The Jade Orchid của Vimefulland - thương hiệu bất động sản của Vimedimex Group. |
Trong đó, dự án The Jade Orchid có quy mô diện tích khoảng 67.763,48 m2 (bao gồm 49.667,1 m2 đất xây dựng công trình và 18.096,38 m2 đất xây dựng đường giao thông theo quy hoạch). Công trình dự án sẽ gồm có loại hình chung cư, biệt thự và lâu đài phố.
Tuy nhiên, thời điểm tháng 3/200, dự án The Jade Orchid chưa được triển khai thi công, bên trong vẫn chỉ là bãi đất trống thế nhưng trên nhiều trang website mua bán bất động sản lại đang quảng cáo và rao bán các căn hộ tại dự án này một cách rầm rộ.
Trước đó, dự án này còn bị Tổ quản lý quản lý trật tự xây dựng và đô thị phường Xuân Đỉnh (Hà Nội) lập biên bản vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình số tiền là 17,5 triệu đồng.
|
Dự án The Eden Rose của Vimedimex Group. (Ảnh: Tiền Phong). |
Chỉ sau 2 năm ra mắt, Vimefulland đã đem về doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách cho nhà nước 2.290,7 tỷ đồng.
Bên cạnh việc triển khai các dự án, Tập đoàn này Vimedimex Group cũng mở rộng mạnh quỹ đất, đáng chú ý là thương vụ mua lại một phần dự án Ciputra gồm lô đất TM01, CT05, CT06 có tổng diện tích 79.629 m2 và BT05 tại Ciputra với quy hoạch 81 căn nhà ở thấp tầng trên diện tích gần 14.000 m2.
Trong danh mục đầu tư của Vimedimex Group còn bao gồm dự án Bel Air Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 2,5ha; dự án Annecy Garden quận Hoàng Mai với diện tích 25ha; dự án The Grand Sevilla tại quận Hai Bà Trưng với diện tích 54,5ha; dự án Torre Agbar Parkview tại quận Hoàng Mai với diện tích 1,68ha, hay tổ hợp Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng có diện tích lên tới 177,2ha...
Vimedimex Group còn thông qua CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km để đổi lấy 60 ha đất đối ứng ở ba khu vực “đất vàng” của quận Hoàng Mai theo dự án BT.
Đáng chú ý, dù xây dựng nhiều dự án nhà ở khắp TP Hà Nội nhưng đa số các dự án mang thương hiệu Vimefulland đều vướng phải những tai tiếng ngay từ thời điểm xây dựng như thi công dự án khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Thậm chí, chủ đầu tư này còn bị tố lừa dối khách hàng, người mua nhà.
Trước việc “nữ tướng” Nguyễn Thị Loan bị bắt, dư luận đang đặt câu hỏi: Vimefulland khủng hoảng theo Vimedimex?
Tối ngày 9/11, Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo Điều 218 Bộ luật hình sự.
Cùng tội danh trên, cơ quan Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người khác gồm: Vương Thị Thu Thủy, cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng cùng là thẩm định viên của Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; 3 bị can khác thuộc các Công ty kinh doanh bất động sản.
Cơ quan điều tra xác định, tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu, Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Sau đó, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh và Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.
Theo cơ quan điều tra, sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 Công ty tham gia đấu giá. Sau đó, bà Loan chi phối Công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất, bà Loan đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án, 6 Công ty tham gia thì có 2 đơn vị không đủ điều kiện, một Công ty không tham gia. Còn lại 3 Công ty dưới quyền bà Loan đã dìm giá, thông đồng và dựng lên 41 Công ty khác để tham gia vào các phiên đấu giá.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Khánh Hoài (T/H)