Hơn 200 thương hiệu và 20.000 người đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị BeautyCon ở Los Angeles vào cuối tuần trước. Đây được coi là một lễ hội thường niên mang đến cho những người nổi tiếng và các thương hiệu cơ hội để tôn vinh các sản phẩm làm đẹp với người hâm mộ của mình.
Trong số 200 thương hiệu tham gia với đa dạng các dòng mỹ phẩm, có một điểm chung: tất cả các công ty đều khát vọng được trở thành “kỳ lân” - thuật ngữ chỉ các công ty startup có mức định giá từ 1 tỷ đô la Mỹ, thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trên thế giới.
Để trở thành “kỳ lân” là cả một quá trình, Anastasia Soare - “kỳ lân từ lông mày” là dân di cư từ Romania sang Mỹ vào cuối thập niên 80. Trước khi chuyển sang kinh doanh, cô từng là nhân viên của một thẩm mỹ viện, lúc đó không ai chú ý đến lông mày. Ngay lập tức, Anastasia Soare lên kế hoạch bắt đầu phát triển thương hiệu của mình vào năm 1997 với sản phẩm trọng tâm là lông mày. Năm 2018, công ty đã nhận được khoản đầu tư từ công ty cổ phần tư nhân TPG trị giá 3 tỷ USD.
Thành công nối tiếp, công ty mở rộng chi nhánh tại hơn 3.000 cửa hàng với khoảng 480 sản phẩm; doanh thu ước tính hơn 375 triệu USD. Anastasia Soare nhanh chóng trở thành tỷ phú tự thân với ước tính khổi tài sản hiện tại 1,2 tỷ USD, theo Forbes.
Ngành công nghiệp làm đẹp với mức tăng trưởng hai con số trong vài năm qua khiến nhiều startup và các nhà đầu tư chú ý.
Chia sẻ về sự nghiệp của mình, Anastasia Soare nói: “Khi tôi bắt đầu 20 năm trước, mọi người nghĩ tôi thật điên rồ. Nhưng vào những năm 90, chưa có những sản phẩm cho lông mày nên tôi bắt đầu phát triển một dòng sản phẩm đầy đủ vào vào năm 2000. Tôi muốn biến thách thức thành những cơ hội lớn.”
|
Giám đốc điều hành BeautyCon Media, Moj Mahdara nói chuyện với Anastasia Soare trong lễ hội. |
“Ở đất nước này, bạn có rất nhiều cơ hội, đó là lý do tại sao tôi làm việc rất chăm chỉ. Tôi cứ nghĩ rằng dân di cư thì không bao giờ có cơ hội đổi đời nhưng tôi đã thấy những cơ hội đó. Hiện giờ tôi chỉ muốn làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa”, Anastasia Soare cho biết.
Huda Kattan, người Mỹ gốc Iraq, cũng là một tỷ phú tự thân đã trở thành người sáng lập và giám đốc điều hành của Huda Beauty trị giá 1,2 tỷ đô la, cũng tham dự lễ hội LA.
Nói về thành công của mình, Huda Kattan cho hay: “Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã xây dựng một cộng đồng. Đó thực sự là động lực thúc đẩy sự thành công của thương hiệu. Huda Beauty luôn có một đội ngũ theo dõi các xu hướng làm đẹp trên các nền tảng xã hội khác nhau và tham gia vào cộng đồng của mình trong quá trình ra quyết định khi tạo ra các sản phẩm.”
Khi bắt đầu các sản phẩm của mình, nhờ tiếp cận khách hàng trên Instagram, họ có được hàng ngàn phản hồi. Vì vậy, sản phẩm được cộng đồng đón nhận và được giúp đỡ .
Không phải ngẫu nhiên mà ngành làm đẹp tại Mỹ đang được định hình bởi những người nhập cư hoặc con cái của người nhập cư. Chuyên viên trang điểm nổi tiếng Hung Vanngo, người từ Việt Nam đến Canada khi còn nhỏ, hay giám đốc điều hành của BeautyCon, Moj Mahdara, là một người Mỹ gốc Iran thế hệ đầu tiên.
Sự thành công của những “kỳ lân” tạo động lực cho ngành công nghiệp làm đẹp phát triển, ngày càng trở nên phổ biến, thúc đẩy tìm kiếm, ươm tạo và đầu tư.
Theo Khổng Hồng/Vietnamnet