Nữ tỷ phú đôla "khoe" chuyện của ngân hàng nhà

Google News

Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ tham vọng dẫn đầu thị trường, nhân dịp ngân hàng này sắp lên sàn.

Tại roadshow của HDBank trước ngày cổ phiếu ngân hàng này lên sàn diễn ra chiều 2/1 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, kể câu chuyện phát triển của ngân hàng này với những con số cụ thể và đánh giá đó là câu chuyện thành công của ngân hàng Việt Nam.
Bà Thảo cung cấp số liệu về mức tăng trưởng của ngân hàng là trên 30% mỗi năm cho các chỉ số khác nhau, có chỉ số tăng trưởng gần 40%. Theo bà Thảo, HDBank đã tăng trưởng 18 lần, từ top 30 lên top 8 trong danh sách các ngân hàng thương mại.
Nữ tỷ phú đôla hiện tại là phó chủ tịch ngân hàng cũng tự hào "khoe" về tỷ lệ nợ xấu thấp so với mặt bằng cũng như thành công của nhà băng trong việc sáp nhập các định chế tài chính khác.
 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, "khoe" câu chuyện của ngân hàng nhà. Ảnh: Hải Dương.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, cho biết việc dành room cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 8% sau thời gian lên sàn để giao dịch sôi động.
Sau 10 năm, tổng tài sản ngân hàng tăng hơn 18 lần và theo lãnh đạo này, đó là con số biết nói. “Năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu tài sản hơn 20 tỷ đôla”, CEO HDBank nói.
Nhà đầu tư cũng băn khoăn câu chuyện tăng trưởng tín dụng của HDBank luôn ở mức đỉnh so với thị trường, thậm chí vượt chỉ tiêu bình quân của toàn ngành.
Ông Đặng cho biết từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước mỗi năm có giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này không cào bằng mà mỗi ngân hàng lại được giao mức khác nhau. Bình quân từ 2012 đến nay, tăng trưởng tín dụng ở HDBank là 40% do hệ thống quản trị, chính sách quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhiều năm.
Tín dụng của HDBank, theo ông, cũng không tập trung, có độ phân tán rủi ro, cho các lĩnh vực ưu tiên, tham gia dự án ODA của Ngân hàng Thế giới nên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành bình quân 18-19% nhưng riêng HDBank được giao 26%.
Nhà đầu tư cũng băn khoăn về mức giá tham chiếu HDB là 33.000 đồng/cổ phiếu. Đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho hay ban đầu, đơn vị này định giá 32.000 đồng, sau tăng lên 33.000 đồng. Tuy nhiên, tính theo mức tăng của Vn-Index thì giá cổ phiếu của HDBank hiện tại đã lên đến ít nhất 38.000 đồng.
Vị này nhắc lại câu chuyện tăng giá của cổ phiếu Vietcombank, VPBank và kết luận ngành ngân hàng được nhà đầu tư cao, vĩ mô tốt, tăng trưởng tín dụng ổn định. Mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu của HDB, theo đại diện HSC, là thấp so với giá dự báo có thể lên đến 48.000 đồng vào cuối năm 2018.
HDBank là ngân hàng đầu tiên lên sàn trong năm 2018. Giá tham chiếu cổ phiếu HDB trong ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng đã hoàn tất bán 21,5% vốn cho 76 nhà đầu tư nước ngoài với giá 32.000 đồng/cổ phiếu và thu về 300 triệu USD.
Ngân hàng cũng phát hành riêng lẻ thành công hơn 98 triệu cổ phần cho nhà đầu tư lớn hiện hữu, thu về gần 3.200 tỷ. Vốn điều lệ của ngân hàng sau 2 đợt phát hành này là 9.800 tỷ đồng, thu về gần 2.100 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Theo T.Minh/Zing