Nuôi 2 loại cá đặc sản, một nông dân Kon Tum giàu lên

Google News

Mấy năm gần đây, cá chình, cá bống tượng giá bán cao, khoảng 450.000-500.000 đồng/kg. Một số hộ dân ở Kon Tum đã giàu lên nhờ 2 loại cá này.

Hộ ông Nguyễn Đình Toan (67 tuổi) gắn bó với nghề nuôi cá chình và cá bống tượng được hơn 6 năm. Ông cho biết, gia đình ông có 10.000 m2 nuôi cá chình và cá bống tượng với 9 ao nuôi.

Nuoi 2 loai ca dac san, mot nong dan Kon Tum giau len

Ông Nguyễn Đình Toan, nông dân thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) với ao nuôi cá chình.

Dẫn chúng tôi tham quan từng ao cá, ông Toan cho biết, phần diện tích ao nuôi cá trước đây là đất ruộng trồng lúa.

Đến năm 2013, ông bắt đầu đào ao để nuôi các loại cá như cá lóc, cá trê, cá chép nhưng không mang lại hiệu quả.

Trong một lần được vào tỉnh Cà Mau tham quan các mô hình kinh tế, ông Toan thấy bà con nuôi cá chình và cá bống tượng cho thu nhập cao nên ông đã quyết định thử sức nuôi hai loại cá này.

Năm 2018, ông mua 5 tạ cá giống cá bống tượng và 3 tạ cá giống cá chình về thả nuôi.

Tuy nhiên một thời gian sau, lượng cá hao hụt gần 60% khiến ông thua lỗ gần cả trăm triệu đồng.

Nuoi 2 loai ca dac san, mot nong dan Kon Tum giau len-Hinh-2

Cá chình thương phẩm nuôi trong ao đất của hộ ông Nguyễn Đình Toan, nông dân thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) có giá trị kinh tế cao. 

"Tôi có tìm hiểu nguyên nhân, nhận ra rằng cá chết do bản thân vệ sinh môi trường nước chưa tốt, nguồn thức ăn cho cá chưa đảm bảo, không bảo đảm kết cấu bờ…Từ đó, tôi lại tiếp tục lặn lội vào các tỉnh phía Nam để tìm hiểu cách nuôi, nghiên cứu các trang trại đi trước cũng như trên sách vở để đúc kết lại kinh nghiệm", ông Toan nói.

Sau nhiều năm nuôi và tái đầu tư, ông Toan đã có thu nhập khá từ 2 loại cá này.

Cứ 6 tháng, ông Toan lại xuất bán một lứa với sản lượng bình quân từ 1,5-2 tấn cá thương phẩm.

Hiện nay, trên thị trường, giá cá chình dao động khoảng 450.000 đồng/kg, còn cá bống tượng 480.000 đồng/kg. Trừ đi mọi chi phí, công chăm sóc và thức ăn cho cá thì mỗi năm gia đình ông thu về hơn 800 triệu đồng.

Nuoi 2 loai ca dac san, mot nong dan Kon Tum giau len-Hinh-3

Ông Toan, nông dân nuôi cá đặc sản ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum)theo dõi quá trình sinh trưởng của cá bống tượng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chình và nuôi cá bống tượng, ông Toan cho biết, đầu tiên là phải đào ao cho thật chuẩn.

Tiếp theo là xử lý ao nuôi và nguồn nước đảm bảo cầu rồi mới tiến hành thả giống. Con giống được mua phải đảm bảo sạch bệnh, khoẻ mạnh và kích cỡ tương đương nhau để thả nuôi cùng ao.

"Để cá chình và cá bống tượng phát triển tốt, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra mực nước, vệ sinh đáy ao và cho cá ăn đúng ngày, đúng giờ để phòng bệnh đường ruột cho cá.

Đồng thời tạo nguồn cá mồi đảm bảo cung cấp thức ăn cho cá chình, bống tượng bằng cách nuôi trong ao, ruộng lúa hoặc bắt mối với một số người dân nuôi cá ở các lòng hồ thủy điện", ông Toan giải thích.

Thấy mô hình rất hiệu quả, cho thu nhập rất lớn, ông Toan đã vận động bạn bè, anh em cùng thực hiện.

Đồng thời, người đàn ông này còn đề xuất thành lập ra Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Hội Cựu chiến binh tổ dân phố 1, với mục đích cùng hợp tác phát triển mô hình nuôi cá bống tượng và cá chình.

Qua đó, cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nguồn giống, vốn đầu tư và đầu ra cho sản phẩm để cùng vươn lên làm giàu.

Đến nay, tổ hợp tác đã có 13 thành viên tham gia, với diện tích ao nuôi cá hơn 55.000 m2, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 5 tấn cá.

Là một thành viên trong tổ hợp tác, ông Nguyễn Văn Toản (64 tuổi) sở hữu 8 ao nuôi cá chình và cá bống tượng với tổng diện tích khoảng 15.000m2, thu lợi nhuận trên 900 triệu đồng/năm.

Cá nuôi từ 1 năm đến 1 năm rưỡi khi đã đạt trọng lượng trên 1 kg/con đối với cá chình và đạt trên 0,5 kg/con đối với cá bống tượng thì là có thể xuất bán.

"Cá chình với cá bống tượng không dễ để nuôi nhưng bù lại rất ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp, mỗi ngày cho ăn một lần.

Tuy nhiên, vốn đầu tư con giống khá cao, phải mất thời gian dài mới cho thu hoạch. Chính vì vậy, tô thả nuôi theo hình thức gối đầu. Các ao được thả nuôi theo từng giai đoạn để từ đó có cá thương phẩm liên tục để cung cấp ra thị trường.

Sau khi thu hoạch, cá chình, cá bống tượng được bán cho các đại lý cung cấp nguồn cá nguyên liệu xuất khẩu ở TP.HCM", ông Toản cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vài năm trở lại đây, cá chình và cá bống tượng có giá trị kinh tế cao nên mức giá bán được duy trì ổn định.

Chính vì vậy, nếu có thể sản xuất được sản lượng cá nhiều và chất lượng tốt thì mô hình này mang lại nhiều tiềm năng lớn. Lý do là bởi nguồn cung trên thị trường không đủ để đáp ứng cho nguồn cầu.

"Để động viên kịp thời các hộ chăn nuôi này, chúng tôi thường xuyên quan tâm, thăm nom các mô hình để có thể sát cánh và hỗ trợ bà con khi cần thiết", ông Dần nói. 

 

Theo Hoàng Lộc/Dân Việt