Nuôi cá lăng đen trên sông Đào là hướng làm giàu của anh Vũ Đình Sách trong những năm gần đây. Anh Sách đã chọn cho mình một hướng đi mới là nuôi các loại cá đặc sản, trong đó có cá lăng đen để bán Tết. Trung bình cứ vào dịp cận Tết, mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường gần 20 tấn cá đặc sản các loại, chủ yếu là cá lăng đen và lời hàng trăm triệu đồng.
|
Nhờ nuôi cá đặc sản lồng bè, trong đó có cá lăng đen bán Tết mà gia đình anh Vũ Đình Sách bỏ túi hàng trăm triệu đồng/năm. |
Vừa cho đàn cá lăng ăn, anh Sách tâm sự, cá nuôi trên lồng bè lớn nhanh hơn nhiều so với nuôi ở trong ao và cách nuôi cũng không khác là mấy. Cá nuôi được chia ra thành từng giai đoạn và mỗi giai đoạn có cách cho ăn khác nhau.
Cá từ 50 ngày tuổi thì được anh cho ăn cám viên công nghiệp, khi cá hơn 3 tháng tuổi thì chuyển sang cho ăn theo khẩu phần khác. Đối với cá lăng thì cho ăn thêm cá tạp được đánh bắt ở sông hồ, còn đối với cá trắm cỏ thì bổ xung thêm cám ngô và cỏ voi...ít dùng đến cám công nghiệp, nói không với thuốc tăng trọng...
Chính vì nuôi sông và tuân thủ quy trình nuôi an toàn mà cá thương phẩm của gia đình anh Sách luôn bảo đảm chất lượng sạch, tươi ngon, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Vào dịp Tết Âm lịch có nhiều khách hàng và thương lái đến tận nhà anh, để chọn những con cá tươi ngon về làm thực phẩm đón xuân năm mới.
“Hàng năm cứ đến cận Tết Âm lịch, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cá. Các thương lái và nhiều khách hàng ở ngoài huyện đánh xe vào tận nhà để mua, nên sản phẩm đầu ra của gia đình tôi lúc nào cũng ổn định và không lo rớt giá. Thương lái xuống bè xem cá, chồng tiền rồi "xúc" nguyên cả lồng cá mang đi tiêu thụ”– anh Sách tiết lộ
Anh Sách cho biết, năm nay thời tiết bất thuận, cá chậm lớn hơn nhưng lại được giá. Hiện gia đình anh đang giữ nuôi 4 loại cá như: trắm, chép, lăng và diêu hồng. Ước tính những ngày cận Tết này, anh Sách sẽ bán ra thị trường khoảng 5 tấn cá mỗi loại...
“Do các loài cá đặc sản của gia đình tôi được nuôi theo quy trình sạch, khép kín, đáng chú ý là nguồn thức ăn cho cá lăng chủ yếu từ các con cá con nhỏ được thu mua và tự đánh bắt ở sông đưa về. Đặc biệt hơn là cá được nuôi trên dòng sông Đào nên giúp cho cá nhanh lớn và có thịt chắc, thơm ngon được khách hàng ở các tỉnh lân cận rất ưa chuộng”– anh Sách chia sẻ.
Cũng theo anh Sách, những ngày gần đây gia đình anh liên tục nhận được các cuộc điện thoại đặt hàng, chủ yếu là khách quen từ TP. Nam Định và Hà Nội nên phần lớn số cá trong lồng đều đã có chủ và chỉ chờ đến ngày cận Tết họ sẽ đến bắt.
“Trong các loại cá này thì cá trắm đen có giá cao nhất, loại cá trên dưới 10kg/con thì có giá lên đến hơn 200 ngàn đồng/kg. Các loại cá khác như cá lăng thì có giá 65 ngàn đồng/1kg, cá trắm cỏ và cá chép trên dưới 50 ngàn đồng/kg....
Thông thường vào dịp Tết Nguyên đán cá sẽ được khách thu mua với giá cao hơn. Với số lượng cá nuôi năm nay của gia đình tôi ước tính sẽ thu đượckhoảng 20 tấn cá, với giá bán dịp cận Tết như trêm thì có thể lãi được trên dưới 100 triệu đồng”– anh Sách tiết lộ.
Anh Vũ Đình Sách cho biết, nghề nuôi cá trên lồng bè cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đặc biệt là thiên tai. Ngoài ra, gần đây chất lượng nguồn nước nhiều lúc cũng rất kém dẫn đến cá hay bị chết và làm thiệt hại đến người nuôi cá trên lồng bè như anh.
Theo Phạm Anh/Danviet