Anh Nguyễn Phú Quẹo- Giám đốc HTX Tân Phú Thành, ấp 3, xã Thuận Hoà, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã và đang thực hiện thành công mô hình này.
Năm 2023 được sự hỗ trợ nguồn cá giống với mức 50% từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), HTX Tân Phú Thành đã mạnh dạn đầu tư với diện tích 30 ha để thả nuôi 3.000 kg cá trê vàng trên ruộng lúa.
Mô hình nuôi cá ruộng lúa, cụ thể là nuôi cá trê vàng ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho thu nhập cao gấp 3 lần so với làm lúa vụ 3.
Nhờ mạnh dạn học hỏi chuyển đổi mô hình nuôi cá trong ruộng lúa anh Quẹo đã đem về thu nhập cho mình và các thành viên trong HTX hàng trăm triệu đồng/năm.
Với 3.000 kg cá trê giống, sau 3 tháng thả nuôi cá trê vàng đạt trọng lượng bình quân 100-150gram/con, tỷ lệ sống 60%, năng suất ước đạt 18 tấn, giá cá trê vàng bán 50.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mà HTX thu về trên 450 triệu đồng/30 ha (cao gấp 3 lần so với trồng lúa vụ 3).
Anh Quẹo cho biết nuôi cá ruộng chủ yếu là thức ăn tự nhiên và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp vào lúc chiều tối để cho cá mau lớn.
Nuôi cá trên ruộng lúa sẽ góp phần làm tăng năng suất lúa do phân cá là nguồn hữu cơ dồi giàu tăng độ phì nhiêu cho ruộng góp phần giảm lượng phân bón nên vụ lúa Đông Xuân năng suất vượt trội so với ruộng không nuôi cá, mặt khác còn sử dụng hiệu quả cho những vùng trồng lúa bị ảnh hưởng lũ.
Anh Quẹo chia sẽ kinh nghiệm: “Chỉ cần có tính đam mê thì việc gì làm cũng được, đối với nuôi cá trên ruộng lúa, trong đó có nuôi cá trê vàng thì cần 6 yếu tố quan trọng:
Một là có bờ bao đảm bảo; hai là mực nước thích hợp khoản 30-50cm nước trên mặt ruộng là lý tưởng; ba là con giống chất lượng; bốn là chọn đối tượng nuôi phù hợp; năm là phải canh giữ cẩn thận; sáu là trong sản xuất lúa phải hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhất là các loại thuốc làm ảnh hưởng đến cá và môi trường nước”.
Theo Nguyễn Thị Nhãn (Trạm KN Long Mỹ/TTKN Hậu Giang)/Dân Việt