Ghi nhận ngày 6/5 tại vùng chuyên canh nuôi nghêu ở biển Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho thấy, thương lái thu mua nghêu thương phẩm có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch (khoảng 50-60 con/kg).
Thu hoạch nghêu tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN
Với năng suất 15 tấn/ha mặt nước trong năm nay, người nuôi nghêu ở biển Tân Thành phấn khởi vì thu nhập từ 1 ha nuôi nghêu đạt từ 300-400 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, việc nuôi nghêu trên địa bàn phát triển ổn định, diện tích thả nuôi khoảng 2.200 ha, tập trung các xã ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Sản lượng thu hoạch nghêu của tỉnh Tiền Giang trong quý I/2024 đạt khoảng 2.540 tấn.
Nghề nuôi nghêu tại ven biển Gò Công ở tỉnh Tiền Giang phát triển nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân khu vực biển Gò Công, đồng thời còn tạo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị nghêu thương phẩm, năm 2011, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu tại Gò Công, theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển MSC”.
Đến cuối tháng 8/2023, vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) đánh giá và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC - Aquaculture Stewardship Council) vào đầu tháng 11/2023.
Hiện vùng nuôi nghêu này có diện tích 350 ha, do Ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông quản lý và khai thác.
Huyện Gò Công Đông là vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận ASC.
Sau khi đạt chứng nhận này sẽ giúp cho nghề nuôi nghêu của tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Gò Công Đông nói riêng phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Gò Công Đông nói riêng cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung.
Theo Hữu Chí/Cổng TTĐT Tiền Giang