Những ngày giữa tháng 3, PV Dân Việt được Hội Nông dân xã Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) dẫn đến thăm mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình chị Trần Thị Ánh Hương (trú tại thôn An Thạch, xã Xuân An).
Nuôi thử ốc bươu đen, bất ngờ thành công
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hương cho biết, năm 2007, chị được một người dân trong thôn cho một mớ ốc bươu đen. Sau đó, chị đem về thả trong ao của nhà mình để nuôi thử nghiệm, thức ăn cho ốc chủ yếu là chuối chín, mít, rau, củ dư thừa. Hai tháng sau, những con ốc này sinh sôi phát triển tốt nên chị Hương vớt lên đem bán.
Cũng từ đây, chị đã nảy sinh ý tưởng đầu tư nuôi ốc bươu đen. Chị đã lên mạng tìm hiểu cũng như thời gian đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi ốc bươu đen ở các tỉnh. Sau đó, chị cải tạo 3.000 m2 đất trồng lúa thành 2 hồ nhỏ, xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để nuôi ốc.
"Ốc bươu đen là loại động vật rất dễ nuôi, ít mắc bệnh, ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư cũng thấp. Nguồn thức ăn chủ yếu của ốc là lá mướp, lá khoai mì, rau muống. Bên cạnh đó, để tạo thêm thức ăn cho ốc, tôi đã nuôi bèo, trồng hoa súng chung với ao nuôi ốc, để ốc ăn bèo, hoa súng. Quan trọng là duy trì mực nước ổn định trong ao và định kỳ sau mỗi lứa nuôi thì hút cạn bùn, vệ sinh khử trùng đáy ao nuôi", chị Hương chia sẻ về quy trình nuôi ốc.
Sau khoảng 4 tháng thả nuôi, ốc bươu đã phát triển thành ốc thương phẩm và có thể xuất bán. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hương bán khoảng từ 4-5kg ốc thương phẩm, giá bán trên thị trường hiện nay từ 100-120 ngàn đồng/kg. Ốc thu hoạch đến đâu thì các thương lái, người dân tại thị xã An Khê tới thu mua đến đó.
Bên cạnh việc bán ốc thương phẩm, chị Hương còn chủ động tạo nguồn giống bằng việc đem trứng ốc đi ấp. Theo chị Hương, khi ốc bắt đầu đẻ trứng, chị sẽ thu gôm các tổ trứng cho thùng xốp rồi che đậy cẩn thận lại. Để cho trứng phát triển tốt, chị thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp. Khoảng 15 ngày sau, trứng ốc sẽ nở và có thể bán được. Mỗi con ốc giống hiện nay được bán với giá 500 đồng. Trung bình mỗi tháng, từ việc bán ốc thương phẩm và ốc giống, chị Hương đã thu về lợi nhuận hơn 25 triệu đồng.
Cấp vốn cho nông dân đầu tư nuôi ốc đặc sản
Từ hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen do gia đình chị Hương đầu tư, vào năm 2020, Hội Nông dân xã Xuân An (thị xã An Khê) đã triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen. Nguồn vốn thực hiện mô hình này được trích từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) của thị xã An Khê. Tham gia mô hình có 10 hộ nông dân của xã Xuân An và mỗi hộ được hỗ trợ vay 40 triệu đồng trong vòng 2 năm.
Ông Nguyễn Thanh Vân (trú tại thôn An Xuân 3, xã Xuân An) - 1 trong số 10 hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: "Từ nguồn vốn của Quỹ HTND, tôi cải tạo 1.000m2 lúa sang nuôi ốc và xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến nay, ốc đã sinh trưởng và phát triển tốt. Quá trình nuôi, tôi nhận thấy rất khá nhàn rỗi, không cần vốn nhiều, không đầu tư thức ăn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập gia đình ổn định. Bên cạnh tận dụng các loại rau cỏ có sẵn trong ao, thỉnh thoảng tôi chỉ bỏ thêm lá mì, lá chuối để làm thức ăn cho ốc. Đến nay, tôi đã hoàn vốn và sinh lời".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: "Mô hình nuôi ốc bươu đen đã xuất hiện trên địa bàn thị xã An Khê nói chung và xã Xuân An nói riêng được hơn chục năm nay. Ốc bươu đen là món ăn được nhiều người ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình nuôi, nông dân không tốn nhiều chi phí. Bước đầu, mô hình này đã dần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các gia đình. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương".
Theo Dân Việt