Cùi dưa hấu
Giữa tháng 8 vừa qua, tài khoản của một cô gái được cho là đang sinh sống ở Nhật Bản đã đăng tải lên MXH hình ảnh cùi dưa hấu bán trong siêu thị Nhật Bản. Trong ảnh, túi cùi dưa hấu được đóng gói cẩn thận, có niêm yết giá rõ ràng xuất hiện trong kệ hàng hóa siêu thị.
Cùi dưa hấu đóng gói bán đắt hàng trong siêu thị Nhật
Trông gói cùi dưa cũng "xịn xò" như những thực phẩm khác và khá đắt hàng, trong kệ chỉ còn 2 túi nhỏ, nếu ai không nhanh tay sẽ không còn hàng để mua.
Hình ảnh sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và khiến nhiều người Việt Nam bất ngờ. Bởi ở Việt Nam, cùi dưa hấu không mấy khi được sử dụng, chủ yếu chỉ ăn phần ruột đỏ sau đó vứt phần cùi vào sọt rác.
Hơn nữa, dưa hấu ở Việt Nam bán nguyên cả quả hoặc nửa quả, chứ chưa từng có siêu thị hay cửa hàng nào đóng gói cùi dưa bán riêng như thế này. Vì thế, hình ảnh túi cùi dưa hấu khiến nhiều người cảm thấy lạ lẫm.
Hạt vải khô
Năm 2020, Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các lô vải sang quốc gia này được đóng hộp nhỏ 200g với giá là 537 yên (tương đương hơn 110.000 đồng). Như vậy, ước chừng 1kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật có giá lên đến hơn 500.000 đồng.
Không chỉ quả vải, mà điều bất ngờ là hạt vải cũng đóng gói bán với giá đắt. Trên trang thương mại điện tử Alibaba, một túi hạt vải khô có giá từ 5 đến 20 USD (tương đương khoảng 116.000 đến 460.000 đồng), tùy theo khối lượng từ 100 đến 500 gram. Theo đó, những công dụng được người bán đề cập đến là để làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, dược liệu khô,…
Bên cạnh đó, trên nhiều trang bán hàng trực tuyến tại Nhật, 5 hạt vải khô có giá 150.000 đồng. Nghe đến đây chắc hẳn người Việt Nam nào cũng bất ngờ, thậm chí có phần nuối tiếc khi nhận ra từ trước đến nay, bản thân đã vứt đi cả một núi tiền mà không hề hay biết.
Hạt mít
Mít là món ăn rất ngon, nhiều người ưa thích. Sau khi ăn, người ta có thể tận dụng hạt mít để luộc, rang, làm nhiều món vô cùng hấp dẫn. Đây cũng là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người. Tuy nhiên, với nhiều người hạt mít chẳng có nhiều giá trị, có gia đình còn đổ đi sau khi ăn.
Thế nhưng, khi được du nhập vào Nhật Bản, hạt mít lại trở thành thứ có giá trị và được bán ở mức 200.000/kg, thậm chí thường xuyên cháy hàng ở các siêu thị.
Khúc thân chuối
Ở Việt Nam, thứ giá trị nhất của cây chuối là quả chuối dù nó cũng có giá rất rẻ. Ở các vùng quê, cây chuối rất dễ trồng, không mất công chăm sóc hay phải bỏ tiền mua phân bón, thuê nhân công. Sau khi thu hoạch buồng chuối xong, phần thân chuối và lá chuối sẽ bỏ đi, hoặc băm làm thức ăn cho bò, gà, lợn, vịt...
Gần đây, một số ít thái lát khúc thân chuối để ăn sống hoặc nhúng lẩu, làm nộm... nhưng không đáng kể.
Trong khi đó, một khúc thân chuối có chiều dài khoảng 10 cm được bày bán trong siêu thị Nhật Bản với giá 1.400 Yên Nhật (tương đương 280.000 đồng).
Những hình ảnh về thân chuối được bán ở Nhật đã khiến nhiều người bất ngờ, không ai nghĩ rằng đồ bỏ đi ở Việt Nam lại "siêu đắt" ở Nhật.
Lá tre
Tre bát độ, hay còn gọi là cây bương, là loại cây mọc hoang, được trồng rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng. Trước người dân trồng tre bát độ chỉ dùng cây còn lá thì bỏ đi. Nhưng vài năm lại đây, lá tre bát độ tươi và khô lại trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Trên chợ mạng và các group bán hàng online, rất nhiều tiểu thương công khai thu mua lá tre bát độ với số lượng không giới hạn và giá không hề rẻ. Họ thu mua rồi bán lại cho các thương lái xuất khẩu sang Đài Loan với giá 10.000 đồng/kg lá tre tươi và 40.000 đồng/kg lá tre khô.
Lá tre bát độ có kích cỡ to hơn hẳn lá tre thường. Chúng được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm...
Theo Chi Phan / Dân Việt