Có dịp được theo chân anh Võ Minh Tân, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), trong một đợt đi thăm các chiếc bẫy rắn mới thấy hết sự thú vị và nguy hiểm của nghề. Dù rắn đã dính trong lồng, nhưng nếu sơ ý thì người bẫy rắn vẫn có thể bị tổn thương.
Sau khi thăm qua một đợt khoảng 20 chiếc lồng được anh Tân đặt trước đó mấy ngày, cũng bẫy được gần 2kg rắn hổ hành. Với số rắn này sẽ cho anh Tân thu nhập gần 500.000 đồng. Anh Tân cho biết: “Nghề này dễ làm, nhưng để bẫy được rắn thì mỗi chiếc lồng cần thả một con chuột làm mồi, sau đó đem đặt ở những khu vườn vắng, cỏ mọc um tùm. Khoảng 3-4 ngày đi thăm một lần, mỗi lần thăm nếu trúng cũng kiếm được từ 3-4kg, còn thất cũng được 1-2kg rắn các loại”...
|
Dù nguy hiểm nhưng vì hiệu quả kinh tế cao, nhiều người vẫn tham gia nghề bẫy rắn. |
Theo quan sát thì nghề bẫy rắn này cũng khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Dụng cụ để bẫy rắn là một chiếc lồng sắt được bịt kín một đầu, đầu còn lại là một chiếc hom để rắn vào nhưng không thể ra được. Chi phí làm mỗi chiếc lồng bẫy rắn chỉ từ 50.000-70.000 đồng (tùy kích cỡ), nhưng có thể bắt được tất cả những loại rắn như: hổ đất, hổ hành, hổ ngựa... khi chui vào lồng.
Với giá bán rắn hổ hành hiện nay ở mức vài trăm ngàn đồng/kg, rắn tạp 100.000-200.000 đồng/kg, mỗi đợt như thế người làm nghề này cũng cho thu nhập vài trăm ngàn đồng. Nếu may mắn bẫy được rắn hổ mang hay hổ đất thì thu nhập sẽ cao hơn. Anh Tân cho biết thêm: “Ban đầu đặt rất chạy, dần dần do nhiều người làm nên rắn ngày một ít đi. Nếu muốn bẫy được rắn nhiều và rắn to phải đi xa nhà hơn, ở những vùng chưa có nhiều người làm. Có ngày tôi phải đi hàng chục cây số, từ vùng này sang vùng khác, huyện này sang huyện khác để bẫy rắn, sau đó vài ngày sẽ đi thăm”.
Canh tác hơn 5 công sen, nhưng thời gian rảnh rỗi thì ông Huỳnh Minh Sơn, ở thị trấn Kinh Cùng, cũng tham gia nghề bẫy rắn. Nghề này không mất nhiều thời gian nên sau khi đặt xong những chiếc bẫy rắn thì ông Sơn vẫn tiếp tục chăm sóc cho ruộng sen của gia đình. Ông Sơn cho biết: “Sản xuất hiện nay gặp khó, nông dân phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Nghề bẫy rắn tuy mới xuất hiện gần đây, dù rất nguy hiểm nhưng cũng tham gia để kiếm thêm thu nhập”.
Nhiều khi gặp các loại rắn nguy hiểm như hổ đất thì đành mang về nhờ người khác giúp đỡ. Ông Sơn nhớ lại: “Có một lần bẫy được con rắn hổ đất cả ký, con rắn nằm trong lồng nhiều ngày có lẽ đói nên rất hung hãn. Thấy vậy, tôi phải kiếm bao bỏ con rắn và cả chiếc lồng vào rồi đem ra chợ, nhờ những người chuyên mua bán rắn bắt ra giùm. Lần đó bán con rắn cũng được trên 800.000 đồng”.
Ông Lê Trung Chánh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, cho biết rắn là động vật hoang dã và cũng là đối tượng bảo vệ mùa màng. Mặt khác, nghề bắt rắn rất nguy hiểm nên thời gian qua, mọi hoạt động săn bắt và kinh doanh loại động vật này đều bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, vì nguồn thu kinh tế quá cao nên người dân vẫn lén lút thực hiện việc săn bắt hoặc kinh doanh, khi phát hiện ngành cũng xử lý theo đúng quy định. Trung bình mỗi năm, Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp cũng tổ chức khoảng 4 đợt kiểm tra các chợ, tụ điểm bán động vật hoang dã, qua đó tịch thu khoảng 30-40kg rắn các loại thả về môi trường sinh thái.
Nghề bẫy rắn dù cho hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng song hành với đó là không ít trường hợp “sinh nghề tử nghiệp”. Theo thống kê từ Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 10 trường hợp bị rắn độc cắn. Nhưng con số này thật sự chỉ là phần nổi và trên thực tế còn rất nhiều trường hợp người dân làm nghề bị rắn độc cắn phải điều trị ở các cơ sở đông y hay nơi khác.
Theo ông Sơn, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hàng năm là thời điểm rắn vào mùa sinh sản, phát triển và đi kiếm ăn nhiều nên rắn đặt rất chạy và nhiều nhất là rắn hổ hành, lâu lắm mới bẫy được rắn hổ đất. Nghề này tuy dễ làm nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhất là khi bắt ra nếu sơ ý thì rất dễ bị rắn cắn, nên mỗi loại rắn phải có cách bắt khác nhau.
Theo Thanh Duy/Báo Hậu Giang