Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo UBND tỉnh về việc Công ty CP Golden City đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án khoảng 165,8ha tại phường 7, TP.Đà Lạt (đồi Đa Phú) với mục tiêu tạo lập khu đô thị sinh thái, kết hợp thương mại du lịch nghỉ dưỡng. Đề xuất của Golden City đã được UBND TP.Đà Lạt đồng ý.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Golden City có tiền thân là Công ty cổ phần Gold Đất Việt, được thành lập năm 2007, có địa chỉ tại tòa nhà Golden City, số 25 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Lê Mao, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.
|
Một góc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. |
Sự hình thành và phát triển Golden City gắn liền với tên tuổi của ông Hồ Văn Giang, người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tính đến hết năm 2019, ông Giang nắm 80% cổ phần của Công ty này. Còn trước tháng 7/2018, ông Giang duy trì sở hữu gần 90%, trong khi đó ông Bùi Minh Tuấn - một cộng sự đắc lực nắm 10%.
Thời điểm thành lập Công ty, ông Hồ Văn Giang xây dựng chiến lược đa ngành, đa nghề, đa dịch vụ theo xu thế chung về hội nhập, cạnh tranh toàn cầu, đáp ứng tốt sự thay đổi, vận hành và phát triển nền kinh tế toàn cầu.
Golden City được coi là nhà phát triển bất động sản lớn nhất tỉnh Nghệ An, với chuỗi dự án chung cư, phân lô bán nền cùng thương hiệu ở TP.Vinh, hay dự án resort quy mô 10ha bên bờ biển Cửa Lò.
Ngoài ra, ông Hồ Văn Giang còn mở rộng hoạt động sang Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Lạt và TP.HCM. Bên cạnh mũi nhọn bất động sản, Golden City còn tham gia sâu vào lĩnh vực khai thác khoáng sản với hệ sinh thái hàng chục đơn vị thành viên.
|
Doanh nhân Hồ Văn Giang (bên trái). |
Về tình hình kinh doanh, năm 2016 doanh thu của Công ty đạt 75 tỷ đồng, năm 2017 tăng gần gấp đôi lên 146 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục tăng thêm 57% lên 229 tỷ đồng, trước khi sụt xuống còn 197 tỷ đồng vào năm 2019.
Tuy vậy, lợi nhuận của Công ty này lại lỗ sau thuế đậm 24 tỷ đồng năm 2016. Sang năm 2017, thì gượng dậy được một chút với khoản lãi 2,8 tỷ đồng, nhưng năm 2018 lại tái lỗ 1,6 tỷ đồng.
Năm 2019, do kinh doanh dưới giá vốn, Golden City ghi nhận khoản lỗ gộp 18 tỷ đồng. Trong bối cảnh không thể cải thiện các chi phí, lại đón nhận thêm khoản lỗ khác lên tới 75,7 tỷ đồng, Golden City báo lỗ sau thuế tới 109,7 tỷ đồng, một kết quả vô cùng tệ hại.
Giai đoạn 2016 - 2019, tổng tài sản của Công ty tăng đều (ngoại trừ năm 2019 sụt giảm), từ 664 tỷ đồng lên 1.085 tỷ đồng, tương đương tăng 63%. Chất lượng tài sản không có điều đáng lo khi các khoản phải thu và hàng tồn kho duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, nợ phải trả của Công ty tăng vọt từ 14,3 tỷ đồng (năm 2017) lên 349 tỷ đồng (năm 2018) trước khi sụt giảm xuống 258 tỷ đồng (năm 2019). Trên thực tế, đây là các khoản vay dài hạn của Golden City với giá trị lần lượt là 340,6 tỷ đồng (năm 2018) và 249,4 tỷ đồng (năm 2019).
Trong 3 năm 2017 - 2019, Golden City liên tục tăng vốn góp, từ 763,7 tỷ đồng lên 929,5 tỷ đồng rồi 966,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu lại trồi sụt trong cùng giai đoạn, lần lượt là 734,9 tỷ đồng, 899 tỷ đồng và 826,7 tỷ đồng.
Khánh Hoài (T/H)