Theo báo cáo tài chính, quý 4 vừa qua, doanh thu của Điện cơ Thống Nhất đạt hơn 94 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tuy vậy, do chi phí vốn tăng mạnh đến 41% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 12 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2021, Vinawind đạt doanh thu 990 tỷ đồng, giảm 5,4% so với năm trước đó. DN lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng 20,2% so với số lãi gần 84 tỷ đồng năm 2020. Bình quân mỗi tháng, công ty lãi ròng hơn 8 tỷ đồng.
Liên quan tới nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo tài chính quý 4/2021 tháng hơn 10% so với quý 4/2020, Vinawind cho hay, ở thời điểm lập BCTC quý 4/2020, trên cơ sở xem xét các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh có giá trị suy giảm so với giá trị đầu tư, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng tổn thất cho khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 bị lỗ.
|
Kết quả kinh doanh của Điện cơ Thống Nhất |
Thương hiệu Vinawind là tên gọi sản phẩm quạt điện không xa lạ với người tiêu dùng của Điện cơ Thống Nhất, đã được đăng ký độc quyền tại Việt Nam. Đây là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam.
Tiền thân của Điện cơ Thống Nhất là Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất, được thành lập đầu năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai bộ phận sản xuất quạt điện của hai xí nghiệp công tư hợp doanh Điện thông và Điện cơ Tam Quang.
Ngày 28/6/2005, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 94 chuyển Công ty Điện cơ Thống Nhất thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Điện cơ Thống nhất. Tháng 4/2012, công ty đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Điện cơ Thống nhất. Tháng 8/2015, tiếp tục được đổi tên thành Công ty Cổ phần Điện cơ Thống nhất.
Trong khi Điện cơ Thống Nhất làm ăn có lãi thì Diêm Thống Nhất năm 2020 phải rời sàn chứng khoán.
Diêm Thống Nhất được thành lập năm 1956. Từ tháng 1/2002, DN này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vốn điều lệ 15,7 tỷ đồng. Đến năm 2014, công ty ên sàn chứng khoán, chính thức tăng vốn điều lệ lên 22 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 20/10/2020.
Nguyên nhân rời sàn chứng khoán được Diêm Thống Nhất giải thích là DN không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
Diêm Thống Nhất nổi tiếng với sản phẩm trứ danh là hộp diêm Thống Nhất có in hình chim trắng bồ câu trên nền xanh. Cùng với Cao Sao Vàng, đây từng là hai sản phẩm "vang bóng một thời" của Việt Nam.
Nhà đầu tư quan sát
Về diễn biến thị trường, phần lớn các thị trường tài chính đều tăng hoặc giảm nhẹ trong tuần qua và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (0,43%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm (2,37%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,56%) lên 113,29 điểm.
Dù VN-Index đã chính thức vượt khỏi mốc 1.500 điểm, nhưng chủ yếu nhờ lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng chưa có sự lan tỏa đồng đều trên toàn thị trường.
Thanh khoản khớp lệnh xấp xỉ so với tuần trước đó và đã là tuần thứ 6 liên tiếp thấp hơn mức trung bình, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng nhất định.
Giao dịch của khối ngoại diễn ra vẫn theo chiều hướng xấu khi bán ròng 13,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 713 tỷ đồng.
VCBS nhận định, VN-Index sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.480 - 1.510 điểm trong một vài tuần tới và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng, giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.
Do vậy, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội "lướt sóng" ở các cổ phiếu đang bước vào nhịp tăng nóng trong tuần vừa qua thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn “lình xình” trên thị trường ở thời điểm hiện tại để tích lũy thêm các cổ phiếu mục tiêu. Dù vậy, nhà đầu tư nên hạn chế gia tăng margin và giữ lại một phần sức mua nhằm sẵn sàng giải ngân theo chiều lên nếu thị trường xuất hiện tín hiệu bứt phá trong tuần.
Theo Duy Anh/Vietnamnet