Ông Quyết chuyển Bùi Tiến Dũng 500 triệu, còn đại gia nào nợ U23?

Google News

U23 Việt Nam nhận được rất nhiều lời hứa trao thưởng tiền và các hiện vật có giá trị từ các "Mạnh Thường Quân" là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ là hứa thưởng, tiền vẫn chưa về tới tài khoản.
Ngày 2/2, trên trang Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch tập đoàn FLC chia sẻ, ông đã về nhà thủ môn Bùi Tiến Dũng ở làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa để trao tận tay 500 triệu đồng tiền thưởng mà ông đã hứa trước đó cho tuyển thủ này khi góp công lớn cùng tuyển U23 Việt Nam tiến vào trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu - Trung Quốc vừa qua.
 
Trước đó, trong ngày 24/1, sau khi U23 Việt Nam xuất sắc vượt qua U23 Qatar với tỉ số 4/3 trên chấm luân lưu nghẹt thở và giành quyền vào chơi trận chung kết, ông Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố thưởng "nóng" đội tuyển 1 tỷ đồng và cá nhân thủ môn Bùi Tiến Dũng (thành viên CLB FLC Thanh Hóa) 500 triệu đồng.
Như vậy, tỷ phú giàu bậc nhất Việt Nam đã giữ đúng lời hứa, trước hết với thủ môn Tiến Dũng.
Sau những màn trình diễn ấn tượng tại giải đấu U23 châu Á, U23 Việt Nam nhận được rất nhiều lời hứa trao thưởng tiền và các hiện vật có giá trị từ các "Mạnh Thường Quân" là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ là hứa thưởng, tiền vẫn chưa về tới tài khoản.
Giải ngân nhỏ giọt
Hiện trang web của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đăng tải công khai bản danh sách chi tiết các đơn vị tặng thưởng cho U23 Việt Nam.
Theo bản danh sách cập nhật đến ngày 31/1/2018, có tổng cộng 39 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hứa thưởng U23 Việt Nam với tổng số tiền mặt lên tới 31,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 7 đơn vị hứa thưởng U23 Việt Nam bằng hiện vật, 12 đơn vị hứa thưởng bằng dịch vụ.
Một loạt doanh nghiệp công bố tặng thưởng cho U23 Việt Nam như Ngân hàng Vietcombank - 1 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV - 500 triệu đồng, Tập đoàn Tuần Châu - 1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - 1 tỷ đồng, Viettel - 1 tỷ đồng, VNPT - 1 tỷ đồng, Địa Ốc Hưng Thịnh - 1 tỷ đồng, Xuân Thiện Ninh Bình - tỷ đồng, Công ty Ô tô Trường Hải tặng đội 500 triệu đồng và một xe ô tô Kia trị giá 789 triệu đồng,...
Bà Đặng Ngọc Lan - vợ ông bầu CLB Hà Nội ACB (cũ) Nguyễn Đức Kiên cũng tặng thưởng cho U23 Việt Nam 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Thuỵ - Chủ tịch Xi măng Xuân Thành Quảng Nam (thuộc Tập đoàn Thaigroup) cũng tuyên bố thưởng "nóng" 500 triệu cho đội tuyển U23 Việt Nam.
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành cũng quyết định thưởng toàn đội 1 tỷ đồng và riêng cầu thủ Quang Hải 200 triệu đồng. Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch tập đoàn C.T Group cũng hứa thưởng 1 tỷ đồng và 1 tuần nghỉ dưỡng Vũng Tàu...
Nhìn vào bản danh sách này, chắc chắn nhiều người thấy mừng cho thầy trò HLV Park Hang Seo, đặc biệt cho những cầu thủ U23 Việt Nam xuất thân từ nghèo khó, luôn mong có khoản tiền thưởng để giúp đỡ gia đình.
 
Với cầu thủ như Phạm Xuân Mạnh, chàng hậu vệ phía trái này mong mau có tiền thưởng để gửi về cho bố mẹ trang trải nợ nần. Cả Tiến Dũng, Tiến Dụng... những khoản tiền thưởng kia sẽ giúp gia đình họ có cơ hội thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), thì đến nay, số tiền nhận về mới khoảng 10 tỷ, tức chưa đầy một phần ba tổng tiền hứa thưởng. Chưa nhận đủ số tiền, VFF sẽ phải chuyển tiền thưởng cho đội U23 thành nhiều đợt khác nhau do các doanh nghiệp chậm chi trả.
Đã hứa là phải làm
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 2/2, trước câu hỏi của báo chí về việc dư luận lo ngại rằng: "Nhiều doanh nghiệp đã hứa tặng tiền thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam nhưng hiện tiền vẫn chưa về đến tài khoản. Việc này phải chăng để đánh bóng hình ảnh, làm giảm niềm tin trong xã hội?".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trấn an rằng dư luận không nên sốt ruột. Trong trường hợp các đơn vị này làm không nhanh, không đúng thời hạn sẽ bị nhắc nhở.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ khẳng định "đây là những phần thưởng phải xác định rằng đã nói là phải làm", đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nhắc những tổ chức, cá nhân họ đã công bố. Lãnh đạo này cũng cho rằng "chỉ có thực tế mới tồn tại, còn đánh bóng hình thức là không tồn tại được".
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Dũng, thiết nghĩa VFF cũng không nên vì "tế nhị" mà không công khai luôn danh tính đơn vị nào đã chuyển tiền, đơn vị nào chưa.
Thực tế trước đây đã có không ít trường hợp nhiều người “hứa” hoành tráng nhưng sau đó khi giải nguội hay niềm vui tàn thì… “xù”, hoặc lấy cớ chuyển tiền, chuyển quà chậm. Nhắc tên cụ thể cũng chẳng hay ho gì.
Các nhà vô địch vốn trọng danh dự dĩ nhiên chẳng ai đi đòi quà. Dư luận thì nhanh quên. Thế là có thể chỉ vì một vài vị thất hứa mà tấm lòng hào hiệp của những "Mạnh Thường Quân" chân chính cũng bị nghi ngờ.
Loại trừ những nguyên nhân bất khả kháng, còn thì thật đáng xấu hổ cho những ai "xù" phần thưởng do chính mồm mình nói ra. Đó là chưa nói không loại trừ có kẻ lợi dụng niềm vui của quốc dân, đồng bào để "chém gió" nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, doanh nghiệp.
Về mặt pháp luật, Bộ luật Dân sự cũng đã có những quy định mang tính ràng buộc đối với hành vi hứa thưởng. Những tuyên bố của các đại gia cũng có thể coi là hợp đồng miệng - là một dạng hợp đồng dân sự, được pháp luật thừa nhận và có giá trị pháp lý như hợp đồng bằng văn bản.
Tuy nhiên, trong trường hợp này mấy ai vận đến pháp luật. Danh dự mới để đời, vì đã là người lớn thì một lời nói ra nặng tựa ngàn vàng.
Theo Anh Mai/Nhà Đầu Tư