Ông Vũ Quang Hải kịp nhận gần 2 tỷ đồng trước khi rời Sabeco?

Google News

Trước khi rời Sabeco, ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng có thể đã được tăng thù lao 150% lên gần 2 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, những lùm xùm quanh việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận được sự chú ý của dư luận.
Ong Vu Quang Hai kip nhan gan 2 ty dong truoc khi roi Sabeco?
Ông Vũ Quang Hải kịp nhận gần 2 tỷ đồng trước khi rời Sabeco?
Ngày 30/12/2016, Sabeco đã miễn nhiệm ông Vũ Quang Hải khỏi chức danh Phó Tổng giám đốc Sabeco. Tới ngày, 16/2/2017, Sabeco tiếp tục miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của ông Vũ Quang Hải.
Thù lao gần 2 tỷ đồng
Dù không còn giữ những chức vụ quan trọng tại Sabeco nhưng trong năm 2016, ông Vũ Quang Hải đã có cơ hội tăng thù lao 150% lên gần 2 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Sabeco, trong năm 2016, Sabeco đã dành gần 11,8 tỷ đồng để trả thù lao cho dàn lãnh đạo trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát. Bình quân, mỗi lãnh đạo Sabeco nhận 983 triệu đồng/người/năm, tương ứng 82 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, thu nhập các lãnh đạo cấp cao tại Sabeco đã tăng 7,1 tỷ đồng, tương ứng 151% so với năm 2015. Nhưng cần nhấn mạnh, đây là thù lao bình quân cho lãnh đạo cả 3 ban của Sabeco.
Do cùng lúc nắm giữ hai chức vụ quan trọng Phó Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị nên năm 2016, ông Vũ Quang Hải có thể nhận được thù lao khoảng 1,97 tỷ đồng.
Còn trong Tờ trình Quyết toán tiền lương, thù lao, tiền thưởng năm 2016 của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Tổng công ty, dàn lãnh đạo 2 ban này được trả hơn 5,8 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa Ban Tổng giám đốc nhận tổng thù lao khoảng 6 tỷ đồng. Trung bình, mỗi sếp Ban Tổng giám đốc có thu nhập 1,5 tỷ đồng/người/năm, tương đương 125 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, thù lao của sếp Sabeco đã tăng hơn kế hoạch. Tại Đại hội đồng cổ đồng năm 2016, cổ đông Sabeco đã thông qua tờ trình kế hoạch tiền lương, thù lao năm 2016 của người quản lý tổng công ty. Theo đó, Sabeco dự chi 9,99 tỷ đồng lương cho 10 người quản lý, bình quân mỗi người nhận 999 triệu đồng tiền lương năm 2016.
Bên cạnh đó, 4 lãnh đạo kiêm nhiệm của Sabeco còn có thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm. Bình quân mỗi người nhận 195,7 triệu đồng.
Thu nhập tăng vọt
Thu nhập của dàn lãnh đạo Sabeco đang có xu hướng tăng vọt theo năm. Sang năm 2017, con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục đi lên. Trong tờ trình Kế hoạch tiền lương, thù lao, tiền thưởng năm 2016 của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Tổng công ty, Sabeco đề xuất cổ đông phê duyệt phương án chi trả hơn 9,2 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
Nếu đề xuất này được thông qua, thu nhập của dàn lãnh đạo Sabeco sẽ tăng 3,4 tỷ đồng, tương ứng 59% so với năm 2016. Đây là mức tăng rất lớn so với lợi nhuận. Năm 2017, Sabeco lập kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 4.703 tỷ đồng, chỉ tăng 48 tỷ đồng, tương ứng 10% so với năm 2016.
Như vậy, các thành viên kiêm nhiệm tại Sabeco sẽ nhận được 2,3 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 192 triệu đồng/người/tháng.
Theo tờ trình, quỹ tiền lương cho dàn lãnh đạo tăng mạnh nhất, tăng từ 4,05 tỷ đồng năm 2016 lên 6,48 tỷ đồng năm 2017, quỹ thù lao tăng từ 783 triệu đồng lên 1,944 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ tiền thưởng lại giảm từ hơn 1 tỷ đồng xuống 810 triệu đồng.
Sau khi rời khỏi 2 vị trí quản lý cấp cao tại Sabeco là Phó Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị, ông Vũ Quang Hải không còn có cơ hội nhận thu nhập tăng vọt tại Sabeco nữa.
Cổ đông kiếm bộn
Không chỉ mạnh tay trả lương cao cho dàn lãnh đạo, Sabeco còn “bạo chi” cho cổ đông. Năm 2016, dù lên kế hoạch “chỉ” chi 1.924 tỷ đồng tiền cổ tức nhưng thực tế, “ông lớn” ngành bia đã “rót” 3.848 tỷ đồng cho cổ đông.
Sang năm 2017, Sabeco lên kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 35%. Theo đó, số tiền mà Sabeco đự kiến sẽ chi ra để trả cổ tức là 2.244 tỷ đồng.
Bên cạnh được, nhà đầu tư cũng được hưởng lợi từ giá cổ phiếu SAB tăng nhẹ. Sau hơn 3 tháng giao dịch, chốt phiên 4/4, SAB dừng ở mức 200.400 đồng/CP sau khi tăng 2.700 đồng/CP so với cuối năm 2016. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Sabeco tăng 1.731 tỷ đồng lên 128.513 tỷ đồng.
Theo Bảo Linh/VTC News