Trên đường ra hang Câu, giàn mướp rắn bên bờ ruộng hành của ông Nguyễn Văn Thống (65 tuổi, xã An Hải) khiến nhiều du khách tò mò, bởi những trái mướp có hình dạng và màu sắc giống con rắn.
Ông cho biết những năm gần đây ông có sở thích tìm tòi các giống cây trồng lạ để đưa về đảo trồng. Hai năm trước, ông nhờ con gái mua 50 hạt giống mướp có nguồn gốc Nhật Bản về trồng.
|
Mướp rắn màu xanh sọc trắng. |
Thửa ruộng hành 1.000m2, ông Thống gieo hạt mướp ở cả bốn bờ ruộng. Sau 50 ngày, mướp rắn bắt đầu cho quả giống với những hình ảnh lạ mắt ông thấy trên mạng với hai màu chính là trắng và xanh sọc trắng.
"Quả ngắn dài 0,7m, còn quả dài đến 2m", ông Thống nói và cho biết mướp rắn có bộ rễ rất mạnh, không cần bón phân nhiều, chỉ cần nước tận dụng từ việc tưới ruộng hành.
|
Ông Thống bên quả mướp rắn màu trắng dài 2 m. |
Một hạt giống cho 30kg mướp, trung bình mỗi trái nặng 7 - 8 lạng. Khác với giống mướp bản địa, mướp rắn chủ yếu dùng để ăn sống, làm gỏi. Năm ngoái, ông bán mướp rắn với giá 30.000 đồng mỗi kg, năm nay giá mướp còn 20.000 đồng mỗi kg, cao hơn 5.000 đồng so với mướp thường.
"Việc thu hoạch mướp phụ thuộc vào đặt hàng, mỗi lần khoảng 20 - 30kg. Mướp này được nhà hàng ưa chuộng. Bà con mỗi dịp cúng giỗ hay đám cưới vẫn thường mua để đãi khách", chủ giàn mướp cho biết. Nhờ giàn mướp, mỗi tháng ông có thêm thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đảo có trên 300 ha đất nông nghiệp, người dân sử dụng để trồng hành, tỏi. Việc trồng hành, tỏi đang gặp nhiều vướng mắc… ngoài ra còn còn gặp rủi ro về giá cả, thị trường.
Theo Phương Uy /Báo Quảng Ngãi