Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.
Đối tượng nằm trong diện điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm: ô tô, xe máy, tàu thuyền, máy bay, nhà đất, du thuyền… Theo đó, các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tài sản nằm trong danh mục kể trên đều sẽ phải đóng phí trước bạ theo quy định.
Bộ Tài chính nêu lý do sửa đổi Nghị định 140 là bởi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì Lệ phí trước bạ (LPTB) là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%. Số thu của khoản này giai đoạn 2012-2017 bình quân đang chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách, tương đương với 2,8% tổng thu nội địa. Song bên cạnh các kết quả đạt được thì Nghị định 140 theo Bộ Tài chính đã dần bộc lộ những điểm hạn chế cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Chẳng hạn, về giá tính LPTB, Nghị định số 140 quy định: Trường hợp ô tô, xe máy có giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tăng hoặc giảm 20% trở lên so với giá tính LPTB tại bảng giá (do Bộ Tài chính ban hành) thì Bộ Tài chính điều chỉnh giá tính LPTB tài sản đó.
Thời gian qua, thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế nhập khẩu, giá chuyển nhượng trên thị trường của nhiều dòng xe có xu hướng giảm, nhưng mức giảm chưa đến 20% nên chưa đủ điều kiện để điều chỉnh giá tính LPTB đối với các dòng xe này.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị nghiên cứu điều chỉnh mức biến động để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, VAMA đề nghị cần quy định thời gian Bộ Tài chính ban hành Bảng giá tính LPTB bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính ổn định.
|
Phí trước bạ ô tô sắp biến động lớn |
Về mức thu, Nghị định 140 quy định, mức thu lần đầu đối với ô tô khác không phải là ô tô con (bao gồm cả xe pick-up chở hàng và ô tô tải VAN) là 2% (Việc xác định xe ô tô con và ô tô khác để xác định mức thu lệ phí trước bạ được căn cứ theo Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp).
Nhưng hiện nay xe pick-up chở hàng và xe ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống vừa chở người, vừa chở hàng, được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như đối với xe ô tô con (xe chở người từ 9 chỗ trở xuống). Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết điều chỉnh mức thu lệ phí lần đầu đối với loại xe này để đảm bảo công bằng với xe ô tô con...
Cũng theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 140, mức thu LPTB lần đầu đối với xe pick-up trong khung 10-15% nếu trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (BVMT) do cơ quan đăng kiểm cấp ghi là ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (mức thu cụ thể do HĐND cấp tỉnh quyết định); mức thu LPTB lần đầu đối với xe pick-up là 2% nếu ghi là loại ô tô khác không phải là ô tô con.
Đối với ô tô pick-up chở người và là xe ô tô con, trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT đã ghi là ô tô con nên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 140 thì mức thu LPTB lần đầu đối với loại xe này trong khung 10 - 15%.
Ô tô pick-up chở hàng, căn cứ quy định tại Nghị định số 140, nếu trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT ghi là loại ô tô khác không phải là ô tô con (ô tô pick-up chở hàng không phải là ô tô con) thì mức thu LPTB lần đầu là 2%.
Như vậy, loại xe ô tô nêu trên khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ôtô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ô tô con.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2012-2017 số lượng xe pick-up, gồm cả xe chở hàng và xe chở người (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) tăng theo từng năm, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh (xe pick-up nhập khẩu năm 2017 là 28.482 chiếc, tăng 8,7 lần).
Riêng số lượng xe pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) giai đoạn 2012 - 2017 như sau: Năm 2012 là 3.305 chiếc, năm 2013 là 6.902 chiếc, năm 2014 là 10.961 chiếc, năm 2015 là 20.132 chiếc, năm 2016 là 28.091 chiếc, năm 2017 là 28.911 chiếc; bình quân khoảng 16.383 chiếc/năm, chiếm khoảng 99,8% số lượng xe pick-up.
Thực tế, xe ô tô pick-up chở hàng và ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống được sử dụng kết hợp vừa chở người, vừa chở hàng; các xe ô tô tải khác chủ yếu sử dụng để chở hàng.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị mức thu lần đầu với dòng xe này bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con (trong khung 10 - 15%). Mức thu lần thứ 2 trở đi là 2%.
Về miễn LPTB: Thực tế thực hiện cho thấy, một số trường hợp (như tài sản đăng ký lại khi cổ phần hóa từ đơn vị sự nghiệp công lập thành sở hữu của công ty cổ phần; tài sản đăng ký lại do chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thay đổi người có quyền sử dụng đất và không thuộc đối tượng nộp tiền sử dụng đất; vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản được thay thế mà phải đăng ký; xe hút chất thải, xe cứu hộ; nhà, đất tái định cư...) cần đưa vào đối tượng miễn LPTB hoặc cần quy định rõ hơn nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đảm bảo đồng bộ trong chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Về mức biến động giá chuyển nhượng ô tô, xe máy để điều chỉnh Bảng giá tính LPTB, Nghị định 140 quy định: Giá tính LPTB đối với ô tô, xe máy là giá tại bảng giá do Bộ Tài chính ban hành; trường hợp giá chuyển nhượng tài sản thực tế trên thị trường tăng hoặc giảm 20% trở lên so với giá tính LPTB tại bảng giá thì Bộ Tài chính điều chỉnh giá tính LPTB đối với tài sản đó.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, thực hiện cam kết quốc tế về cắt giảm thuế nhập khẩu, giá chuyển nhượng trên thị trường của nhiều dòng xe có xu hướng giảm nhưng ở mức thấp (chưa đến 20%) trong khi đó giá tính LPTB vẫn phải áp dụng theo bảng giá do chưa đủ điều kiện để điều chỉnh bảng giá.
Tổng hợp số liệu do VAMA cung cấp cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2017: Đối với ô tô, tùy từng mẫu xe, số lần thay đổi giá từ 1 - 6 lần; mức biến động giá giảm phổ biến ở mức từ 2 - 7%; mức biến động giá tăng phổ biến ở mức từ 2 - 6%. Đối với xe máy, số lần thay đổi giá và mức biến động giá chủ yếu là đối với xe lắp ráp trong nước; mức biến động giá tăng phổ biến ở mức từ 1 - 3%, mức biến động giá giảm không nhiều.
Vì vậy, để phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi mức biến động giá chuyển nhượng ô tô, xe máy từ 20% trở lên xuống 10% trở lên so với bảng giá để điều chỉnh bảng giá.
Theo Anh Tuấn /Vietnamnet