PKĐK Đông Phương bị tố “chặt chém”: Cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra

Google News

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra hành vi của PKĐK Đông Phương để làm rõ các thông tin phản ánh của người bệnh.

Liên quan đến sự việc, bệnh nhân KD (Thạch Thất, Hà Nội) tố bị phòng khám đa khoa Đông Phương số 497 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) sử dụng “chiêu trò” để “chém đẹp” trong trình thăm khám cho người bệnh tại đây, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các phòng khám bệnh tư nhân hiện nay có số lượng rất nhiều và đa dạng. Có những phòng khám rất uy tín, chất lượng, người dân tin dùng vì tiện lợi hơn khi vào bệnh viện nhưng cũng có phòng khám nhận lại những phản ánh không mấy tích cực.
PKDK Dong Phuong bi to “chat chem”: Co quan chuc nang can thanh kiem tra
Phòng khám đa khoa Đông Phương có địa chỉ tại số 497 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội).
Hơn nữa tình trạng mập mờ trong việc báo cho bệnh nhận thông tin các gói khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhận hiện cũng rất phổ biến, vấn đề này báo chí đã phản ánh rất nhiều.
Các phòng khám tư giống như một doanh nghiệp và họ xây dựng quy chế khám chữa bệnh cho riêng phòng khám. Tuy nhiên, các phòng khám vẫn phải đáp ứng các điều kiện về khám chữa bệnh theo Luật khám chữa bệnh và các văn bản khác có liên quan.
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn, tại Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định một số điều khoản về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) không lập hoặc lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; b) không ghi sổ y bạ hoặc sổ y bạ cấp cho người bệnh điều trị ngoại trú không ghi rõ, đầy đủ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc theo quy định và thời gian khám lại.
Ngoài ra, các hình phạt bổ sung có thể được áp dụng như: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 2 tháng đến 4 tháng hoặc từ 12 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động của cơ sở.
PKDK Dong Phuong bi to “chat chem”: Co quan chuc nang can thanh kiem tra-Hinh-2
Đơn tố cáo của người bệnh.  
Như vậy, cần điều tra làm rõ hành vi của phòng khám đa khoa Đông Phương để áp dụng mức xử phạt thích đáng.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh các phòng khám tư chịu sự quản lý, thanh tra giám sát của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế Bộ/Ngành liên quan thì sẽ bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định 117/2020.
“Cần phản ánh ngay thông tin sự việc xảy ra tại phòng khám đa khoa Đông Phương đến các cơ quan có trách nhiệm để xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia khám chữa bệnh tại đây”, luật sư Hoàng Tùng nói.
Trong một diễn biến khác, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ và đặt lịch làm việc với Sở Y tế Hà Nội vào ngày 18/11 về vụ việc nói trên, nhưng đến nay Sở này vẫn im lặng.
Trước đó, bệnh nhân KD phản ánh, do trước đó có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, D lên mạng và đọc thấy những lời quảng cáo có cánh của phòng khám Đa khoa Đông Phương. Khi truy cập thông tin về phòng khám này, ngay lập tức, D được 1 nickname xưng là bác sĩ Hà Phương nhảy vào tư vấn nhiệt tình.
“Tôi đăng ký gói kiểm tra tổng quát 180.000 gồm 5 hạng mục, khi vào khám sau khi khai báo y tế tôi được hướng dẫn đóng 65.000 tiền phí khám, lên phòng khám sau khi kiểm tra tôi được hướng dẫn đi siêu âm và làm các xét nghiệm.
Tại đây, bác sĩ khẳng định không phát sinh khoản phí gì thêm ngoài 180.000 trong gói khám. Do tôi còn trẻ tuổi, chưa hiểu biết nhiều, với lại rất tin tưởng vào những lời khẳng định chắc nịch của bác sĩ tư vấn, nên tôi tin theo và đâu có nghĩ mình rơi vào ma trận… ”, KD ngán ngẩm kể lại.
Sau khi siêu âm, bác sĩ siêu âm phần bụng cho KD biết thông tin bị viêm nhiễm và cần điều trị kê nước rửa vệ sinh, và bác sĩ hướng dẫn đi đóng thêm phí là 1.850.000.
Lúc này do không chuẩn bị chi phí khám bệnh, bác sĩ có nói hiện có bao nhiêu tiền thì đóng trước số tiền còn lại nhờ người chuyển khoản để đóng nốt. KD đã chuyển khoản trước 950.000 vào số tài khoản một ngân hàng có tên là Lê Thị Hoa và tiếp tục “được” hướng dẫn đi siêu âm đầu dò, lấy máu và nước tiểu…
“Tôi còn liên tục bị nhắc nhở chuyển nốt số tiền còn lại. Khá thắc mắc, tôi có nhắn tin cho bác sĩ Hà Phương ra gặp để giải quyết vấn đề tôi chưa thanh toán đủ, và muốn hẹn ngày mai đến điều trị, bác sĩ bảo bác sĩ không gặp được ra ngoài rồi, và bảo tôi xuống làm việc thanh toán dưới quầy thu ngân.
Xuống gặp thu ngân lại được yêu cầu lên gặp lại bác sĩ điều trị trình bày về việc tôi không thể thanh toán nốt số tiền ngay lúc này và hẹn bác sĩ ngày mai quay lại điều trị và thanh toán nốt số tiền điều trị, còn số tiền thừa ngày hôm nay tôi mong muốn được xin trả lại, vì tôi chưa điều trị trong gói 1.850.000, mà mới xét nghiệm siêu âm trong gói 180.000, cũng chưa biết kết quả tôi bị bệnh gì. Bác sĩ đã yêu cầu tôi đi về và không trả lại tôi tiền thừa.
Hết cách, tôi đã phải đi bộ từ Hà Đông về nhà ở Thạch Thất trong sự bức xúc về cách hành xử của phòng khám …”, bệnh nhân này chia sẻ.
KD cũng bức xúc khẳng định với PV, cho đến hiện tại, cô không hề biết đến sổ khám bệnh, hay các kết quả siêu âm, xét nghiệm, hóa đơn…hình thù như thế nào, kết quả ra sao, ngoài việc được hướng dẫn nộp tiền, chuyển khoản và…đi bộ về nhà.
*Bài tiếp theo: Thâm nhập PKĐK Đông Phương xem quy trình khám chữa bệnh
Minh Hải - Mạnh Hưng