|
Lãi gấp 4 lần cùng kỳ, nhưng ‘Vua tôm’ Minh Phú mới đạt 3,6% kế hoạch năm |
Báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã UPCoM: MPC) quý II/2024 ghi nhận doanh thu đạt 3.737,7 tỷ đồng, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 278,1%, đạt 38,42 tỷ đồng, dù biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 14,1% xuống 10,5%.
Cụ thể, lợi nhuận gộp tăng 18,8%, tương đương 62,03 tỷ đồng, lên 392,84 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 161,8%, tương đương 20,06 tỷ đồng, lên 32,46 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 40%, tương đương 20,04 tỷ đồng, lên 70,19 tỷ đồng.
Lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh, từ lãi 21,7 tỷ đồng xuống lỗ 26,52 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 1,7%, tương đương 4,24 tỷ đồng, lên 260,36 tỷ đồng.
Mặc dù biên lợi nhuận thu hẹp, doanh thu tăng mạnh đã giúp Minh Phú đạt lợi nhuận cao hơn trong quý II. Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Minh Phú cho biết, lợi nhuận tăng nhờ doanh thu bán hàng tăng và hoạt động kinh doanh từ các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm bắt đầu có hiệu quả.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Minh Phú ghi nhận doanh thu 6.488,3 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 45,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 88,1 tỷ đồng, tức tăng thêm 133,82 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận tăng mạnh, Minh Phú mới hoàn thành 3,6% kế hoạch năm, với mục tiêu doanh thu 18.568,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.265,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của Minh Phú tiếp tục âm 782,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm, so với âm 230,95 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là mức âm lớn nhất kể từ năm 2015. Dòng tiền đầu tư cũng âm 106,3 tỷ đồng, trong khi dòng tiền tài chính dương 623,96 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt.
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Minh Phú tăng 9,7% so với đầu năm, đạt 11.198,4 tỷ đồng. Tồn kho tăng 16,3%, tương đương 808,9 tỷ đồng, lên 5.775,6 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn tăng 29,3%, tương đương 378,3 tỷ đồng, lên 1.671,5 tỷ đồng. Điều này đã góp phần dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm trong nửa đầu năm.
Về nợ vay, tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tăng 16,1% so với đầu năm, tương đương 624,4 tỷ đồng, lên 4.511,5 tỷ đồng, chiếm 82% tổng vốn chủ sở hữu.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Minh Phú đặt mục tiêu sản xuất 70.000 tấn, mang về 18.568,7 tỷ đồng doanh thu. Công ty kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 1.385,2 tỷ đồng và sau thuế 1.265,7 tỷ đồng, đây là lần thứ ba trong 5 năm công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế vượt mốc nghìn tỷ.
Như vậy, sau nửa năm, Minh Phú đã hoàn thành 34,9% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, công ty chỉ mới đạt 4,7% mục tiêu lợi nhuận trước thuế và 3,6% lợi nhuận sau thuế.
Ban lãnh đạo Minh Phú thừa nhận mục tiêu lãi nghìn tỷ năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Cụ thể, lạm phát cao có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu tiêu thụ thủy sản và tăng giá nguyên liệu nuôi trồng. Để ứng phó, Minh Phú sẽ đa dạng hóa sản phẩm và tập trung vào chế biến sâu, nhằm tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng và duy trì chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Thứ hai, công ty đối mặt với khủng hoảng giá năng lượng và cước phí vận chuyển. Minh Phú sẽ theo dõi thị trường, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh linh hoạt, mở rộng thị trường châu Á để giảm chi phí vận chuyển và tìm kiếm thị trường ngách, đồng thời tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Mục tiêu là nâng tỷ trọng doanh thu nội địa từ 1% hiện tại lên 5-10%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu MPC tăng 200 đồng lên 17.200 đồng/cổ phiếu.
|
Diễn biến thị giá cổ phiếu MPC trong thời gian qua |
Quỳnh Ái