Ngày nay, không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc mua hàng online. Chỉ cần mở máy, kích chuột là có thể mua đủ mọi thứ từ quần áo, giày dép, đồ ăn, thức uống, được giao hàng đến tận tay.
Chị em công sở chỉ cần ngồi ở văn phòng cũng có thể “đi chợ” được cho cả tuần. Trên các chợ online, người mua người bán nhộn nhịp, rao bán từ hoa quả tới cá, thịt, rau, tôm, mực… Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, nhiều người mua đồ ăn qua mạng cũng phải “ngậm quả đắng”.
|
Khách hàng bức xúc khi phát hiện người bán tự ý chỉnh sửa giá, kiểu "rao một đằng, tính tiền một nẻo". |
Cách đây vài hôm, chị Thanh Hằng có đặt mua nho của một nhóm bán hàng trên facebook. Người bán quảng cáo nho đỏ không hạt ngon, ngọt, giòn chỉ 79.000 đồng/kg, miễn phí ship khi mua từ 2kg. Bài đăng được mấy phút thì chị Hằng đặt mua 2kg, đến đầu giờ chiều ship mới giao hàng đến, nhưng tổng tiền là 188.000 đồng (tăng 20.000 so với giá cũ). Lúc chị Hằng gọi điện cho người bán thắc mắc thì người bán nói giá vẫn là 89.000 đồng/kg. Do sợ mình nhìn nhầm nên chị Hằng vẫn trả tiền nhận hàng. Tuy nhiên lúc xem lại lịch sử bài đăng của người bán thì chị Hằng mới phát hiện là người bán đã tự chỉnh sửa giá, nâng giá thêm 10.000 đồng/kg.
“20 nghìn cũng không quá to tát, nhưng hành động bán một giá, tính tiền một giá thì không thể chấp nhận được, thấy khách vào mua đông rồi tự ý chỉnh sửa giá khác nào lừa đảo. Đáng nói, khi mình thắc mắc thì người bán còn tỏ thái độ và còn đổ lỗi cho khách hàng”, chị Hằng bức xúc kể.
Chị Nguyễn Hường cũng chia sẻ, đã từng gặp trường hợp tương tự khi đặt mua 15kg khoai, đang từ 35.000 đồng/kg, người bán tăng lên 45.000 đồng/kg.
“Khi hàng giao đến tôi từ chối không nhận, hàng quay đầu về luôn nhưng vẫn rước bực vào người vì họ nói tôi mắt lé nên không nhìn rõ”, chị Hường kể.
Cũng đặt mua hoa quả trên mạng nhưng chị Hải Yến lại gặp tình huống “dở cười dở khóc” khác. “Có lần tôi đặt mua dưa bao tử của một chị bán trên mạng nhưng ôi thôi, phải nói là “dưa bao tải” vì quả to và dài, ăn lại nhạt, không có mùi vị gì".
Hay có lần mua 5kg bơ trên mạng nhưng về ăn được đúng 3 quả; mua bòn bon quảng cáo tươi ngon nhưng hàng nhận về thì đen sì, phải bỏ đi hơn nửa. “Nhìn ảnh rao bán thì rất ngon nhưng đến khi nhận hàng thực tế lại khác. Nhắn tin hỏi thì không thấy người bán trả lời. Từ đó tôi rất sợ mua hàng online”, chị Hải Yến chia sẻ.
Ngoài ra, chị em hay gặp khi mua hàng online đó là tình trạng cân thiếu. Không phải gia đình nào cũng có sẵn cân ở trong nhà nên những người bán hàng làm ăn chụp giật thường lợi dụng việc này để cân thiếu hàng của khách.
Chị Thùy Linh chia sẻ, cách đây ít hôm chị đặt mua 3kg nho để làm siro, nếu không phải vì làm siro phải cân đo nguyên liệu thì chị cũng không phát hiện ra người bán giao hàng thiếu cân.
“Đặt mua 3kg nho nhưng khi cân lên cả chậu, cả hộp cũng chỉ được 2,5kg. Đáng nói là nhắn tin phản hồi thì người bán coi như không biết. Lúc tôi đăng công khai lên trên nhóm thì người bán mới vào giải thích là có nhầm lẫn do nhân viên dùng cân tạ để cân nên không chính xác được số cân”.
Qua nhiều lần “ngậm quả đắng”, nhiều chị em chia sẻ kinh nghiệm khi mua hàng online đó là nên sắm cân để kiểm tra xem hàng có được giao đủ không; đồng thời chốt giá, chốt hóa đơn với người bán để tránh tình trạng như trên.
Theo Hà An /Infonet