Rời ghế nóng ABBank, đại gia Vũ Văn Tiền sẽ làm những gì?

Google News

(Kiến Thức) - Rời ghế nóng ABBank, đại gia Vũ Văn Tiền vẫn là "sếp" của nhiều công ty “khủng” như: Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT CTCP An Hòa...
 

Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – ABB) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Đáng chú ý, trong đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, ông Vũ Văn Tiền – người gắn liền với ABBank trên cương vị chủ tịch - dù có tên trúng cử nhiệm kỳ mới lại không làm chủ tịch. Thay vào đó, ông Đào Mạnh Kháng, phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước, được bầu làm chủ tịch thay ông Tiền.
Hiện dư luận đang rất tò mò ràng, sau khi rời ghế nóng ABBank, đại gia Vũ Văn Tiền sẽ làm những gì?
Roi ghe nong ABBank, dai gia Vu Van Tien se lam nhung gi?
 Đại gia Vũ Văn Tiền.
Ông Vũ Văn Tiền (57 tuổi) sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, quê gốc ở Thái Bình. Ông tốt nghiệp kỹ sư Học viện kỹ thuật quân sự, cử nhân kinh tế Đại học kinh tế quốc dân. Sau tốt nghiệp, ông làm việc tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, sau đó tách ra mở công ty tư nhân. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai và có 3 cô con gái.
Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ABBank trước đó đã đảm nhiệm, đại gia Tiền “còi” còn là “sếp” của nhiều công ty “khủng”: Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), Chủ tịch HĐQT CTCP An Hòa, Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Group)....
Cụ thể, trong lĩnh vực địa ốc, đại gia "Tiền Còi" nổi lên như một tỷ phú đô la với hàng loạt dự án BĐS đình đám như Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn 135ha nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Phần lớn đất thương phẩm đã bán ra thị trường những năm 2007-2011, hiện không còn nhiều biệt thự và liền kề, chỉ còn khu chung cư cao tầng.
Hay như dự án khác là Thành phố giao lưu Geleximco hợp tác cùng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế Vigeba và Tập đoàn Bảo Việt. Khu đô thị nằm có vị trí rất đắc địa tại địa chỉ số 234 đường Phạm Văn Đồng (sát cạnh Bộ Công an mới) quy mô 95ha gồm có khu biệt thự, nhà phố liền kề, khu tổ hợp chung cư, hồ điều hòa, và các công trình công cộng khác,…
Năm 1996 Công ty CP Xây dựng Quốc tế VIC đã hợp tác với tập đoàn của Thụy Sĩ để đầu tư dự án này, nhưng đến năm 2000 phía Thụy Sĩ đã rút khỏi dự án nên VIC đã hợp tác với đối tác trong nước để triển khai dự án, lập nên Vigeba (gồm các cổ đông sáng lập là Geleximco 30%, Bảo Việt 30% và VIC nắm 10,56%) ông Vũ Văn Tiền là chủ tịch HĐQT Vigeba, công ty này có vốn điều lệ 180 tỷ đồng.
Khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, đến nay về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, một số khu biệt thự như TT4 cơ bản đã bán xong, còn lại khu biệt thự TT2 và dãy nhà phố đang triển khai, hồ điều hòa 15ha cũng đang được xây dựng. Khu chung cư được lập thành dự án riêng là Green Stars gồm 7 tòa chung cư cao 25-27 tầng, quy mô gần 2.000 căn hộ do CTCP Ngôi Sao An Bình là chủ đầu tư.
Ngôi Sao An Bình có vốn điều lệ 550 tỷ, trong đó, tính đến tháng 4/2014 Geleximco đã nắm quyền chi phối khi sở hữu 83%, 14% do Hancorp nắm và 3% còn lại do 1 cổ đông cá nhân nắm giữ.
Để có dự án gối đầu, đại gia Tiền Còi đã tranh thủ gom đất trong lúc thị trường địa ốc suy thoái. Dự án tuyến đường cao tốc Hòa Lạc –Hòa Bình dài 33km, có tổng mức đầu tư 18000 tỷ đồng đã được Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức BT, đổi lại quỹ đất khoảng 900ha Nam Láng Hòa Lạc và 1 sân golf 36 lỗ.
Tuy nhiên, năm 2013 thì Geleximco đột nhiên rút khỏi dự án này với lý do cho rằng quỹ đất không đủ hoàn vốn đầu tư vào tuyến đường.
Bỏ qua dự án BT Hòa Lạc-Hòa Bình, đại gia Vũ Văn Tiền lại nhắm tới những mảnh đất vàng tại Tp.HCM bằng cách thâu tóm thành công 35% Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) hồi cuối 2014. Bởi Seaprodex hiện đang sở hữu nhiều quỹ đất giá trị như số 4 Đồng Khởi, Q1, Tp.HCM.
Theo giới thiệu của Geleximco, tập đoàn này còn đang là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn khác như Dầu Khí –Geleximco tại Hoài Đức 192ha, tổng mức đầu tư 10.322 tỷ đồng; KĐT Đồng Trúc Ngọc Liệp tại Quốc Oai 250ha; KĐT Phú Mãn 461ha, tổng mức đầu tư 6.465 tỷ; KĐT sinh thái Đảo Vạn Cảnh tại Hạ Long…
Trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Geleximco Geleximco là cổ đông chính của CTCP Giấy An Hòa (ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT). Thông qua công ty này, Geleximco đầu tư vào Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa tại Tuyên Quang, với các dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy tráng phấn cao cấp. Dây chuyền sản xuất bột giấy Kraft tẩy trắng giai đoạn I có công suất thiết kế đạt 130,000 tấn/năm, giấy tráng phấn cao cấp giai đoạn I đạt 140,000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 350 - 400 triệu USD; dây chuyền sản xuất bột giấy Kraft tẩy trắng giai đoạn II đạt 200 tấn/năm; giấy tráng phấn cao cấp giai đoạn II đạt 100.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 330 - 350 triệu USD.
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Geleximco đang tham gia xây dựng và vận hành 3 nhà máy gồm Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng An Phú, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và tổng công suất thiết kế 6.5 triệu tấn xi măng/năm.
Nhà máy sản xuất Xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 6,000 tỷ đồng bao gồm một nhà máy xi măng tại Quảng Ninh và một Trạm nghiền đặt tại Hiệp Phước - huyện Nhà Bè - TP.HCM. Nhà máy và Trạm nghiền được đầu tư thiết bị và công nghệ của hãng Polysius thuộc tập đoàn danh tiếng Thyssenkrupp - CHLB Đức với công suất thiết kế khoảng 6,000 tấn clinker/ngày, tương đương 2.3 triệu tấn xi măng/năm.
Còn với lĩnh vực công nghệ thông tin, Geleximco đầu tư vào CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) và Viện quản lý Toàn cầu Việt Nam (VQLTC Việt Nam).
CMG có vốn điều lệ hơn 673 tỷ đồng, tiền thân là Trung tâm ADCOM, thuộc viện công nghệ vi Điện tử, viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991. Các sản phẩm dịch vụ chính của CMG bao gồm tích hợp hệ thống, thương mại và sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm, dịch vụ viễn thông và Internet, kinh doanh thương mại điện tử. CMG chính thức niêm yết trên SGDCK TP.HCM vào năm 2010. Vốn điều lệ hiện nay của CMG là hơn 673 tỷ đồng.
Tại CMG, ông Vũ Văn Tiền hiện giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT, là người đại diện cho Geleximco nắm 8.9 triệu cp CMG, tương ứng tỷ lệ 13.22%.
Ngoài ra, cùng với Viện Quản lý Toàn cầu Nhật Bản, Geleximco đã thành lập VQLTC Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu cho các doanh nghiệp trong nước. Các dịch vụ đào tạo VQLTC Việt Nam cung cấp bao gồm việc phát triển năng lực cho cấp quản lý trực tiếp, cấp trưởng phòng và hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống nhằm giảm thiểu thời gian dành cho nhiệm vụ hành chính và phát huy tối đa hiệu quả thời gian. Thông tin từ website Geleximco thì tập đoàn này nắm 75% tại VQLTC Việt Nam vào cuối năm 2011.
Ông Đào Mạnh Kháng (từng là Phó Chủ tịch HĐQT ABBANK) sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ABBANK nhiệm kỳ 2018 - 2022 thay ông vũ Văn Tiền.
Ông Đào Mạnh Kháng là Tiến sĩ Kinh tế trường Đại học Thương mại, đã có 25 năm kinh nghiệm công tác trong ngành tài chính ngân hàng và 13 năm làm việc tại ABBANK với các chức vụ quan trọng như: Thành viên Ban kiểm soát, thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT ABBANK.
Hiện, ông Đào Mạnh Kháng đang đảm nhận nhiệm vụ bảo trợ dự án “Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của ABBANK”. Đây là dự án trọng điểm, đầy thách thức, đánh dấu bước chuyển mình của ABBANK.
Hồng Liên (Tổng hợp)