Rolls-Royce mạ vàng, du thuyền đại gia ế khách

Google News

Sau hai buổi đấu giá, Rolls-Royce mạ vàng và du thuyền của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục hạ giá.

Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp vừa đăng tải thông báo đấu giá lần thứ ba cho chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng biển số 30F-187.88 từng thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết. Mức giá khởi điểm của xe tiếp tục giảm, từ 9,7 tỷ đồng xuống còn 9,409 tỷ đồng.

Tương tự hai lần đấu giá trước đó, bước giá tối thiểu vẫn là 50 triệu đồng. Số tiền đặt trước tương đương 20% giá khởi điểm, còn 1,8 tỷ đồng.

Một siêu xe khác thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết cũng nằm trong diện đấu giá để thu hồi nợ là chiếc Rolls-Royce Phantom màu đỏ mang biển số 30E-133.88.

Chiếc xe Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) bán đấu giá với mức khởi điểm 28,025 tỷ đồng, dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 15/11. Người tham gia trả giá phải đặt trước 20%, tức hơn 5,6 tỷ đồng, đấu bước giá tối thiểu 40 triệu đồng.

Rolls-Royce ma vang, du thuyen dai gia e khach

 

Rolls-Royce ma vang, du thuyen dai gia e khach-Hinh-2

Chiếc xe về Việt Nam hồi tháng 10/2015. Giá trị của xe vào thời điểm 2015 được cho là lên tới 50 tỷ đồng. Cho đến nay, đây vẫn là chiếc xe siêu sang duy nhất được Rolls-Royce sản xuất trên toàn thế giới, chưa xuất xưởng chiếc thứ hai trong bộ sưu tập.

Ngoài xe Rolls-Royce, du thuyền FLC Albatross, sản xuất năm 2017 tại Ba Lan, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, là tài sản thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam - chi nhánh Quy Nhơn cũng được đấu giá để xử lý thu hồi nợ.

Du thuyền có chiều dài thiết kế 16,62 m; chiều dài lớn nhất 21,95m; chiều rộng thiết kế 4,88m; chiều rộng lớn nhất 5,25m; chiều cao mạn 3,15m; chiều chìm 1,15m (mạn khô 2m; vật liệu vỏ FRP).

Sau buổi đấu giá đầu tiên ngày 4/11 không thành công, Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp thông báo tiếp tục đấu giá du thuyền này lần thứ hai vào ngày 21/11. Mức giá khởi điểm giảm từ 35,478 tỷ đồng còn gần 34,676 tỷ đồng.

Rolls-Royce ma vang, du thuyen dai gia e khach-Hinh-3
Du thuyền của FLC ế khách. (Ảnh: Minh Pháp)

Thực tế, nhiều tài sản của các đại gia không có người mua sau nhiều lần giảm giá. Đơn cử, khách sạn Cendeluxe Phú Yên tại TP. Tuy Hòa của nữ doanh nhân "Bông hồng vàng" Võ Thị Thanh từng 17 lần đại hạ giá vẫn không có người mua.

KS Cendeluxe Phú Yên cao 17 tầng, từng được gắn 5 sao, được xem là tài sản lớn nhất của Công ty CP Thuận Thảo. Cục thi hành án dân sự Phú Yên đã 17 lần giảm giá đối với tài sản này, từ hơn 500 tỷ đồng còn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá.

Bà Võ Thị Thanh từng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuận Thảo, nổi danh doanh nhân nữ thành đạt được giải thưởng "Bông hồng vàng".

Thuận Thảo là thương hiệu nổi tiếng một thời trong lĩnh vực vận tải ở khu vực phía Nam, nhưng bắt đầu gặp khó từ khi lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến cuối tháng 6/2018 của đại gia Phú Yên là gần 2.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 1.208 tỷ đồng, còn lại là dư nợ lãi.

Lý giải nguyên nhân tài sản thế chấp dù giảm giá liên tục mà vẫn ế, giới chuyên gia cho rằng do kinh tế khó khăn, thị trường giao dịch tài sản thanh khoản thấp, không dễ tìm được người đủ tiềm lực tài chính. Các ngân hàng phải mất nhiều lần rao bán, rồi hạ giá mới thanh lý được.

Bên cạnh đó, nhiều tài sản bảo đảm khi phát mại được định giá theo giá trị chưa sát với giá thị trường, nên dù giảm giá vẫn khó bán.

Lãnh đạo công ty đấu giá kể chuyện viết thư thuyết phục ông Đỗ Anh Dũng không 'bỏ cọc'.
 Trước vụ “bỏ cọc” đấu giá đất Thủ Thiêm, chủ tịch Tân Hoàng Minh đã từng "bỏ cọc" sau khi đấu giá trúng cặp chóe Tứ linh với giá 6,05 tỷ đồng.
Theo Duy Anh/ Vietnamnet