Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng cho hay, những người siêu giàu hay cá nhân có tài sản ròng cực cao (UHNWI - ultra-high net-worth individual) là những người có tài sản đầu tư ít nhất 30 triệu USD. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây. Kéo theo đó, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, giàu và siêu giàu cũng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây, tại Việt Nam lượng người sở hữu biệt thự khủng cùng những tài sản cá nhân như đồng hồ, siêu xe, du thuyền có giá hàng chục tỷ ngày càng tăng.
Du thuyền Prestige 520 là chiếc thứ ba được nhập khẩu về Việt Nam, có giá 33 tỷ đồng
Mới đây, siêu phẩm du thuyền hạng sang Prestige 520 thứ ba đã về đến Việt Nam. Với ba mẫu được bàn giao cho chủ nhân tại TP.HCM, Prestige 520 với mức giá từ 33 tỷ đồng được coi là mẫu du thuyền hạng sang và được ưa chuộng nhất năm qua.
Dù có giá lên tới hàng triệu USD, nhưng nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền để mua. Thậm chí, có nhiều đại gia đang sở hữu từ 2-3 du thuyền.
Cũng giống như du thuyền, những chiếc xe siêu sang hàng chục tỷ năm 2021 vẫn được đưa về Việt Nam thông qua đại lý chính hãng.
Năm 2021, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, nước ta nhập khẩu tới hơn 160.000 ôtô nguyên chiếc. Tính riêng ôtô con, lượng xe nhập vào Việt Nam trong 2021 đạt 109.728 xe, tăng 45,2% so với cùng kỳ 2020.
Nhiều người giàu Việt sở hữu đồng hồ, siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng
Trung bình khoảng hơn 9.000 xe con mới cập cảng Việt Nam mỗi tháng. Nhu cầu về sử dụng ôtô ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến và người có điều kiện sử dụng ôtô ngày càng nhiều hơn.
Điều đặc biệt hơn, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh, đại gia Việt vẫn sẵn sàng chi hàng chục tỉ đồng để tậu siêu xe trong năm 2021. Trong đó, có những chiếc lần đầu xuất hiện tại thị trường trong nước, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Vào tháng 3 năm ngoái, Porsche đã khai trương cửa hàng Porsche Studio đầu tiên tại Hà Nội.
Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh bên chiếc siêu xe McLaren Elva có giá tới 143 tỉ đồng
Porsche chỉ là một trong số những thương hiệu xe hơi lớn toàn cầu đang tranh giành miếng bánh thị trường xe sang Việt Nam. BMW và Mercedes-Benz cũng ngày càng xuất hiện phổ biến trên đường phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, len lỏi giữa vô số chiếc xe máy trên đường.
Đi kèm với du thuyền, xe sang là những bất động sản triệu USD. Năm 2021, thị trường bất động sản hạng sang xuất hiện nhiều dự án có giá ngang ngửa thị trường lớn như Hồng Kông, Singapore,...
Dự án siêu sang Grand Marina Saigon tọa lạc tại “khu đất vàng” của tập đoàn Masteri Homes được rao bán giá rumor: 15.000-16.000 USD/m2 (chưa VAT). Diện tích căn hộ từ 51-106 m2. Như vậy, giá trị căn hộ khoảng từ 770.000-1,7 triệu USD/căn (18-40 tỷ đồng).
Một dự án siêu sang khác là The Marq (TP.HCM), được phát triển bởi tập đoàn HongKong Land, có giá “mềm” hơn khi chào bán giá rumor 8.000-10.000 USD/m2 (188-235 triệu đồng). Dự án gồm 2 block, với 515 căn hộ hạng sang, cao 26 tầng.
Tuy nhiên, dự án căn hộ đắt đỏ nhất không phải ở TP.HCM, mà ở Hà Nội. Đó là dự án The Grand Hanoi ở ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, được chào bán hơn 700 triệu-1 tỷ đồng/m2 (chưa kể thuế VAT và phí bảo trì). Căn “rẻ nhất” của dự án này có tổng giá trị cũng trên 70 tỷ đồng.
Một khách sạn tại Hà Nội khiến du khách choáng ngợp bởi nội và ngoại thất được dát vàng
Cũng tại Hà Nội, khách sạn “Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake” cao 25 tầng nổi và 4 tầng hầm từng làm cho nhiều người dân và du khách “choáng ngợp”. Giới truyền thông trong nước cũng như quốc tế phải “trầm trồ” bởi bên trong cũng như 120.000m2 mặt ngoài của khách sạn đều được dát vàng. Một khách sạn có “nội, ngoại thất” dát vàng lớn nhất thế giới với tổng mức đầu tư lên tới 100 triệu USD.
Tổ chức Worldkings và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake là “khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng với số lượng trang thiết bị nội thất và các món ăn, đồ uống dát vàng nhiều nhất thế giới”.
Nhiều đại gia sở hữu bộ sưu tập đồng hồ hàng chục tỷ đồng
Và, lĩnh vực thời trang, hàng hiệu cũng không thua kém. Mức độ chịu chơi của người Việt được biết tới qua nhiều sự kiện. "Sau chuyến lưu diễn, hai mẫu đồng hồ 'The Bird Repeater' và 'The Charming Bird' đã tìm được chủ sở hữu tại Việt Nam, giá lần lượt 13 tỷ và 11 tỷ đồng", đại diện nhà phân phối thương hiệu Jaquet Droz (Thụy Sỹ) từng bật mí.
Mọi thứ từ khách sạn dát vàng, đến những căn hộ siêu sang trọng hay những chiếc xe thể thao hào nhoáng đều thể hiện sự gia tăng của giới siêu giàu ở Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Báo cáo tài sản mới nhất của Knight Frank ước tính tốc độ tăng triệu phú của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 32%, trong khi tốc độ tăng người siêu giàu với tổng tài sản trên 30 triệu USD là 31%.
Cũng theo báo cáo, có khoảng 19.500 triệu phú USD tại Việt Nam (những người có tài sản ít nhất 1 triệu USD). Đến năm 2025, con số đó dự kiến sẽ tăng gần 25%, lên 25.000 người. Với lượng triệu phú này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Nếu xét số lượng siêu triệu phú, hay còn được gọi là những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN-6 với 390 người. Hiện nay, Việt Nam cũng đứng thứ 6 Đông Nam Á về số lượng tỉ phú USD, theo Forbes. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người siêu giàu.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh kinh tế phát triển tương đối nhanh như hiện nay thì việc xuất hiện và gia tăng của những người trong giới siêu giàu là phù hợp với quy luật.
Điều này cho thấy sự năng động của nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn. Mặt khác, dự báo số lượng người siêu giàu ở Việt Nam sẽ còn tăng cho thấy dư địa để làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Hồng Hương/Danviet