Hồi tháng 2, giá chuối ở Đồng Nai rớt thê thảm và không thể xuất bán qua thị trường Trung Quốc khiến nông dân thua lỗ. Chính quyền địa phương sau đó phải kêu gọi “giải cứu” bằng cách tổ chức các đoàn hội thu mua chuối giúp nông dân và vận động người dân tiêu thụ nông sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp cảnh báo thị trường và vận động người dân không ồ ạt mở rộng diện tích để tránh rủi ro. Tuy nhiên, thời điểm này, nông dân đang “lao vào” trồng rộng rãi và tiếp tục kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc.
Chặt tiêu trồng chuối
Nông dân Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nói rằng trường hợp giá chuối xuống 4.000 đồng/kg thì nhà vườn vẫn có lãi. Do vậy, ngoài 2 ha chuối đang trồng, gia đình anh đang chặt bỏ 2 ha hồ tiêu già cỗi để chuyển sang trồng chuối.
|
Nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai trồng mới chuối già hương. Ảnh: Ngọc An.
|
Hồ tiêu của gia đình đã già và giá thị trường đang rớt nên tôi quyết định phá để trồng chuối. Cây này hợp thổ nhưỡng, vốn đầu tư ít và nhanh được thu hoạch”, anh Bình cho biết.
Nhiều nông dân ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) cũng ồ ạt trồng và mở rộng diện tích chuối già hương (chuối xuất khẩu sang Trung Quốc). Theo ông Phan Văn Tươi, Phó chủ tịch UBND xã Cây Gáo, hồi đầu năm, diện tích cây này ở địa phương chỉ 20 ha nhưng hiện đã tăng lên 40 ha.
Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), mới đầu năm địa phương có khoảng 700 ha chuối các loại. Trong đó, chuối già hương cấy mô chiếm 100 ha.
“Hiện người dân đang trồng vụ mới nên chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên qua tìm hiểu, diện tích chuối cấy mô năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết thêm giá tiêu đang xuống thấp nên nông dân đã chặt bỏ những diện tích già cỗi, kém hiệu quả để chuyển qua trồng chuối.
Trông chờ thị trường Trung Quốc
Đầu năm, tỉnh Đồng Nai có khoảng 1.700 ha chuối già hương tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất… Đầu ra của nông sản này chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua chuyển qua thị trường Trung Quốc.
Từng phải “ngậm quả đắng” với thị trường này khi thương lái không thu mua, giá rớt thảm còn chưa tới 1.000 đồng/kg, phải thu hoạch cho heo, bò ăn, nhưng nông dân vẫn tiếp tục kỳ vọng.
Anh Ngọ, một người trồng 7 ha chuối ở xã Thanh Bình cho biết anh đã quen với cách xuất hàng cho thương lái cũ, thị trường cũ nên mùa vụ mới vẫn không thay đổi. Theo anh, một doanh nghiệp Hàn Quốc từng đến tham quan vườn và đặt vấn đề tiêu thụ chuối. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đòi hỏi cao về chất lượng nông sản nên anh không thể đáp ứng.
“Bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg nhưng quy trình sản xuất không phức tạp, không đòi hỏi cao”, nông dân này nói.
Một cán bộ thuộc Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Đồng Nai) cho biết nếu nông dân trồng chuối như hiện nay thì sản phẩm chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất đi Trung Quốc. Muốn nông sản này qua các quốc gia khác, nông dân cần chăm sóc cây theo quy trình nghiêm ngặt hơn, tạo chất lượng sản phẩm tốt hơn.
|
Vườn chuối già hương hồi tháng 2 của một hộ dân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Ngọc An.
|
Đáng nói, để người trồng tránh rủi ro trong sản xuất, ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã liên kết với một công ty tại TP.HCM thực hiện kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn tại huyện Trảng Bom với quy mô 100 ha.
Theo kế hoạch, công ty này sẽ bán cây giống cho nông dân và mua nông sản đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với mức giá ổn định. Tuy nhiên, cánh đồng lớn không được nông dân quan tâm. Nhiều hộ đăng ký tham gia nhưng sau đó “rút lui” vì cho rằng họ bị thiệt, khi phải mua giống đắt hơn giá thị trường trong khi công ty chưa rõ ràng trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết tỉnh đang có khoảng 7.000 ha chuối các loại nhưng vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích chuối già hương.
Trước vấn đề nông dân ồ ạt tăng diện tích, ông Sinh nói Sở NN-PTNT đã khuyến cáo người dân chỉ trồng khi ký được hợp đồng đầu ra cho sản phẩm với các đơn vị, và ngưng sản xuất nếu chưa có đầu ra. Cán bộ này khuyến cáo trong tháng 8-9, nông dân không nên mở rộng diện tích vì đây là thời gian nhiều vùng ở Trung Quốc đang tập trung trồng chuối.
Theo Ngọc An/ZVN