Sau 2 lần bắt được cá hô khủng bán được hơn 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh Trần Minh Dũng (phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) vẫn diễn ra bình thường.
Theo con nước lên xuống, mỗi tháng anh Dũng lại ra nhánh sông Đồng Nai (giáp quận 9 và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) để đánh cá mưu sinh. “Công việc của tôi 1 tháng thì chỉ làm được 14, 15 ngày. Tùy theo con nước trên sông mà mình bủa lưới bắt cá. Lưới tôi bủa là lưới gộc, chỉ chuyên đánh bắt các loài cá lớn và trên 1kg mới bắt được. Mỗi tấm lưới dài 50m, có độ cao 5m. Mỗi khi rải thì lưới phải kín một góc sông nên phải thức canh ghe thuyền chạy qua.”, anh Dũng cho biết.
Vào cuối năm 2014 con cá hô nặng 124kg được anh bắt lần đầu trên nhánh sông Đồng Nai, phía bờ quận 9. Lần thứ 2 ngư dân Dũng bắt được cá hô nặng 60kg cũng trên nhánh sông này vào thời điểm giữa năm 2017. Tổng cộng số tiền 2 lần bán được cá “khủng” là hơn 200 triệu đồng. Có được tiền từ “lộc trời ban” anh Dũng đã mua sắm các vật dụng trong gia đình, trả nợ các khoản vay và dùng một ít vào việc mua lưới, phao...
|
Sau khi bán cá “khủng” với số tiền 124 triệu anh Dũng ra nhánh sông để cúng tạ ơn “thủy thần”. |
“Cả đoạn sông Đồng Nai từ trước đến giờ có ai bắt được cá hô lớn đến vậy đâu chứ. Và như theo tôi được biết, ngư dân ở đây cũng chưa có ai bắt được cá hô nên khi được lộc trời ban cho mình tôi mừng lắm. Tôi làm một cái tiệc nhỏ mời người thân, bạn bè chung vui”, anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, cả 2 lần bắt được cá hô “khủng” anh đều mua bánh trái, nhang đèn ra khu vực nhánh sông bắt được cá để tạ ơn “thủy thần”.
“Đất có thổ công, sông có hà bá. Tôi tin, nghĩ vậy nên sau mỗi lần bắt được cá hô, tôi đều làm lễ để tạ ơn. Mỗi khi bắt đầu nổ máy lao ghe ra sông để đánh cá tôi cũng khấn thầm trong miệng là cầu mọi việc bình an, thuận buồm xuôi gió. Hay hững lúc ăn mì, uống trà trên ghe tôi đều khấn mời những người khuất mặt, để trong lòng mình thấy bình an”, ngư dân Dũng chia sẻ.
Theo ngư dân này, việc đánh cá trên sông cũng có quy luật riêng của nó. “Sông thì sông chung và do nhà nước quản lý nhưng không phải mình muốn làm gì thì làm. Nếu không muốn lưới bị rách hoặc bị phá thì phải chọn đoạn sông vắng ghe thuyền qua lại để thả lưới. Nếu bủa lưới ở luồng ghe lưu thông thì không được. Đường người ta chạy, mình bủa lưới ghe qua lại sẽ cào rách hết lưới rồi gây nguy hiểm cho các phương tiện thủy khác”, anh Dũng nói.
|
Con cá hô nặng 60 kg dính lưới của anh Dũng vào năm 2017 cũng trên nhánh sông Đồng Nai. |
“Đất có thổ công, sông có hà bá. Tôi tin, nghĩ vậy nên sau mỗi lần bắt được cá hô, tôi đều mua bánh, trái cây, nhang ra khu vực nhánh sông để làm lễ để tạ ơn”, anh Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, theo anh Dũng điều cấm kỵ trên sông là không được bủa lưới quá gần với lưới của các ngư dân khác, khi nước chảy mạnh lưới rất dễ bị chồng lưới với nhau. “Làm ăn phải biết người biết ta. Điều cấm kỵ của người làm nghề này là không được thăm lưới của người khác. Sống trên sông nước thì anh em ngư dân phải giúp đỡ, không vì con cá, con tôm mà cự cãi nhau”, anh Dũng tâm sự.
Ngư dân này cho biết có hơn 30 điểm thả lưới và mỗi điểm phải cách nhau cả tháng mới quay lại trở lại để bủa lưới. “Có hôm bắt được 3,4 con cá chẽm cũng có khi 3, 4 đêm không bắt được con nào. Làm nghề này thì vậy. Khi lưới ráo nước thuyền đưa lên bờ sửa là coi như hết tiền phải đi vay mượn để sửa chữa. Tôi cũng không biết còn bám trụ với nghề này bao lâu nữa vì cá cũng đang cạn kiệt dần”, người 2 lần bắt cá “khủng” chia sẻ.
Nói về thời điểm 2 lần bán cá hô khủng anh Dũng cho biết rất vui nhưng cũng lo lắng. “Mỗi lần bắt được cá hô tôi tranh thủ bán nhanh vì nghe trên đài thông tin đây là loài cá quý hiếm nằm trong sách đỏ nên cũng sợ lắm. Bắt được cá đã khó nhưng sợ khi đang bán cá thì bị cơ quan chức năng kiểm tra nên tranh thủ bán càng nhanh càng tốt.
Theo Dương Thanh/Dân Việt